1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quốc hội thảo luận 7 dự án luật

Hôm nay, 9/5, Quốc hội bắt đầu tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 QH khóa XI. Sáng nay, QH tiếp tục thảo luận, góp ý Dự án Luật Thương mại. Tiếp đến là Dự án Luật Dược, Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi), Luật Đường sắt VN, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Quốc phòng và Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trước đó, chiều 7/5, QH đã thảo luận, góp ý Dự án Luật Thương mại. Sau nhiều tranh cãi về danh từ “thương nhân”, ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quy định: “Thương nhân trong luật này không bao gồm những người buôn bán nhỏ mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký kinh doanh”.

Khi thảo luật Luật Thương mại và Bộ Luật Dân sự, các đại biểu đã tranh luận khá sôi nổi về các vấn đề như: Thế nào là thương nhân, cần phân biệt rạch ròi giữa ảnh sự kiện và ảnh riêng tư. Các quan hệ mang thai hộ, cho phôi, hiến xác, thay đổi giới tính... có nên đưa vào luật hay không, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Không nên phân biệt doanh nhân trong nước và nước ngoài

“Không đưa (những người buôn bán nhỏ) vào luật là đúng vì thương nhân phải là những tổ chức, người kinh doanh chuyên nghiệp. Người buôn bán nhỏ làm ăn không thường xuyên và thiếu hiểu biết về hợp đồng kinh doanh”-ĐB Trần Thanh Khiêm (Cà Mau) bày tỏ rõ ràng.

ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) ủng hộ ngay: “Không đưa vào thì không quản lý và không thu thuế là tạo điều kiện cho họ hoạt động chứ không phải loại bỏ dạng kinh doanh này ra khỏi đời sống xã hội đâu”.

Trái lại, với kinh nghiệm của “người cao tuổi” Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi VN Đỗ Trọng Ngoạn (ĐB Bắc Giang) phản bác: “Có đến hàng vạn hộ buôn bán nhỏ, bán rong. Họ không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn nộp thuế chợ. Có rất nhiều hộ tuy không thường xuyên buôn bán lớn nhưng vẫn là một dạng thương nhân. Luật Thương mại là luật lớn nhưng hóa ra lại điều chỉnh hẹp”.

Băn khoăn ở giữa, ĐB Phạm Quang Dự (Bà Rịa-Vũng Tàu): “Tôi thấy băn khoăn là những người buôn bán nhỏ cũng tạo nên một mạng lưới kinh doanh thương mại quan trọng. Ta không quy định, điều chỉnh họ trong luật này thì có văn bản luật nào khác để áp dụng cho những người buôn bán nhỏ?”.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị tách khái niệm thương nhân thành hai, bao gồm các tổ chức kinh tế hoạt động thương mại, các cá nhân hoạt động thương mại một cách thường xuyên. Đồng thời, đây là thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật nên không cần quy định rõ thương nhân trong nước hay thương nhân nước ngoài.

Nên phân biệt ảnh sự kiện với ảnh đời tư

Vấn đề thời sự được người dân quan tâm là hình ảnh cá nhân (nhất là các ca sĩ, diễn viên, người của công chúng) thời gian gần đây đang bị lạm dụng, sử dụng vào những mục đích thiếu trong sáng cũng đã được một số ĐBQH nêu ra sáng 7/5, khi thảo luận Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Tuy nhiên, cần phải có một quy định như thế nào để khái niệm “quyền bảo vệ bí mật đời tư” vừa đủ độ, không quá gây khó khăn cho một số nghề nghiệp đặc thù. “Nếu không làm rõ chuyện này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nghề nghiệp của một số ngành nghề đặc thù. Chẳng hạn, các nhà báo, nhà văn, nhà sử học có nguy cơ bị sa vào những vụ kiện rất quyết liệt!” - ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói.

Ông Quốc phân tích cụ thể hơn: Đành rằng có những vụ việc rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng như công bố những hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự người khác, ứng dụng công nghệ thêm bớt, lắp ghép các chi tiết làm sai lệch, xuyên tạc nội dung ảnh gây tác hại đối với cá nhân cần phải bị nghiêm cấm. Nhưng nếu sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc phải được sự đồng ý của thân nhân nếu người đó đã chết, thế chẳng ra ví dụ có bức ảnh chụp tất cả ĐBQH, muốn được sử dụng thì người công bố phải được sự đồng ý của nửa ngàn con người?

Nói cách khác, một người không đồng ý thì bức ảnh đó cũng không thể được công bố? Do đó không nên quy định chung chung mà cần phân biệt hình ảnh liên quan đến sự kiện công và sinh hoạt riêng tư. Và còn phải kiểm tra xem các luật liên quan như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Bản quyền, Luật Lưu trữ... quy định về vấn đề này như thế nào để tránh sự ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của một số ngành.

Mang thai hộ, cho phôi, thay đổi giới tính... nên mạnh dạn đưa vào luật

TS Nguyễn Ngọc Đào (ĐB Hà Nội) nói: Tôi băn khoăn một số điều của dân sự vẫn chưa đưa vào Bộ Luật Dân sự. Tất cả những cái gì gọi là “sự của dân”, của con người, nảy sinh giữa con người với con người, giữa con người với các pháp nhân và chủ thể khác đều được điều chỉnh. Cho nên chúng ta hãy thật bình tĩnh tìm tòi và phát hiện tất cả các quan hệ dân sự mà hiện nay cần phải được điều chỉnh như: Quyền mang thai hộ, hiến bộ phận cơ thể cho khoa học, cho sự phát triển của y học nên hãy mạnh dạn đưa vào Bộ Luật Dân sự.

Tôi quen một số vệ sĩ, tôi cũng tự hỏi vệ sĩ thực hiện các hợp đồng bảo vệ-hiến toàn bộ cơ thể của mình để bảo vệ tính mạng cho người khác, liệu có được đưa vào bộ luật này không? Nghề vệ sĩ họ không hiến một bộ phận mà toàn bộ tính mệnh của họ để bảo vệ, sẵn sàng chết, sẵn sàng hy sinh chỉ vì đồng tiền để bảo vệ sinh mệnh người khác... Cho nên, trong quan hệ dân sự, có rất nhiều những mối quan hệ cần quan tâm mà không thể đưa vào lần này.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ngọc Đường (ĐB Kiên Giang) cho rằng quyền cho phôi, quyền mang thai hộ, quyền được chết... ở VN là mới. Bởi trình độ khoa học công nghệ của ta mới chỉ thực hiện được trong 5-7 năm nay. Nó cũng mới về mặt pháp lý. Những quyền này phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề đạo đức, tôn giáo, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa, do đó nếu công nhận sẽ dễ xảy ra nhiều hậu quả pháp lý khó lường.

Chẳng hạn, tôi có biết trường hợp 2 vợ chồng không có khả năng sinh con, phải nhờ mẹ vợ mang thai hộ. Khi mang thai được mấy tháng thì cả hai chết vì tai nạn. Đứa trẻ ra đời sau đó đã dẫn đến những tranh chấp về quyền thừa kế (với những người thân khác-PV). Do đó, nếu trong trường hợp cụ thể vì tính nhân đạo, có thể điều chỉnh bằng văn bản dưới luật để tập dượt trước khi đưa vào Bộ Luật Dân sự.

Theo Người lao động

Dòng sự kiện: Quốc Hội