1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quốc hội làm hết sức mình để ngày 28/11 thông qua Hiến pháp

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, dù còn ý kiến khác nhau, nhưng Quốc hội đã làm hết sức mình, hết trách nhiệm để ngày 28/11 tới sẽ quyết định thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992.

Sáng 18/11, sau Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hiến pháp có một ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh Việt Hưng)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh Việt Hưng)

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị công phu và đã được triển khai, lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân trong 2 năm qua. Tiếp đó tại các kỳ họp trung ương, Bộ Chính trị đều đã đưa ra ý kiến và được tiếp thu đầy đủ. Với tinh thần rất khiêm tốn, cầu thị, Quốc hội cũng đã tiếp thu tinh hoa, trí tuệ từ nhân dân thông qua các đại biểu phản ánh ở nghị trường.

“Chương trình kỳ họp Quốc hội đã quyết định ngày 28/11, Quốc hội sẽ quyết định thông qua Hiến pháp này. Điều đó vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình - đại biểu của toàn dân, vừa thể hiện nguyên tắc đại biểu Quốc hội được nhân dân và Hiến pháp giao cho”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến hợp lý nhất để có bản dự thảo tốt nhất. “Mặc dù có thể còn ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta đã làm hết sức mình, hết trách nhiệm và làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Ngày 28 này phải thể hiện sự đồng thuận đó”, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và được góp ý nhiều nhất là Chính quyền địa phương, xoay quanh nội dung về nguyên tắc tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền lực, quyền hạn… ở cấp chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi thống nhất quy định về nội dung này sẽ phải kế thừa, đổi mới để tạo ra sức mạnh trong công cuộc đổi mới, thể hiện quyền lực của Chính quyền địa phương các cấp, hình thành một thể thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng các đơn vị hành chính từ phường, xã, thông, bản, quận huyện, thành phố… đang vận hành cơ bản ổn định. Do vậy, việc tổ chức chính quyền các cấp phải phù hợp với đặc điểm tình hình ở nông thôn, đô thị và đặc khu kinh tế hải đảo.

Theo chương trình, ngày 28/11 tới, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý sẽ trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Sau đó, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Quang Phong