1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch nước đề nghị “đặt hàng” phản biện sửa Hiến pháp

(Dân trí)-“Việc lấy ý kiến góp ý sửa Hiến pháp kéo dài thêm 6 tháng, tôi sẽ còn quay lại nghe thêm các cụ, các vị góp ý. Có thể chúng tôi sẽ chủ động “đặt hàng” MTTQ các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu.

Đánh giá của Chủ tịch nước về Đảng được đồng cảm

Chiều 27/3, tại Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Góp ý về Điều 4, Chủ tịch UB MTTQ thành phố Hà Nội Phạm Xuân Hằng kiến nghị hướng quy định trách nhiệm cầm quyền của Đảng trước nhân dân khi vai trò của Đảng được xác định cao hơn các tổ chức khác về địa vị pháp lý. Khẳng định vai trò của Đảng là tất yếu, GS Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh mức độ quan trọng của việc hiến định về sự lãnh đạo của Đảng, để gần gũi, phục vụ thiết thực nhân dân.

Chủ tịch nước đề nghị “đặt hàng” phản biện sửa Hiến pháp
Đại biểu Đặng Văn Khoa: "Là người ngoài Đảng, tôi suy nghĩ nhiều về Điều 4 và khẳng định cần hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng".

Chủ tịch Hội đồng tư vấn về kinh tế Trương Công Phú tán thành nhận định hiệu quả lãnh đạo của Đảng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Hiến pháp. “Hiệu quả thực tế là trong lòng dân chứ không phải qua tuyên truyền, là trách nhiệm lịch sử của Đảng đối với vận mệnh đất nước trong điều kiện phát triển hiện nay. Đảng có chức năng lãnh đạo và cầm quyền” – ông Phú nói.

Phó Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Đức Thiện chia sẻ niềm phấn khởi vì dự thảo Hiến pháp sửa đổi có nhiều nội dung, điều khoản mới, phù hợp với công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước, thể hiện xu thế của xã hội trong tương lai. Trong đó, nội dung quyền con người, quyền công dân đã được nâng lên một bước mới.

Về Điều 4, dưới góc độ một Phật tử, ông Thiện nhấn mạnh Phật giáo luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. “Chúng ta không thể không khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng là sự thật lịch sử. Nhưng Đảng và từng đảng viên phải đổi mới, thực sự vì nhân dân phục vụ. Sự thật khách quan, Đảng chưa ra bao giờ tách rời nhân dân, nhưng một bộ phận đảng viên, cán bộ thời gian qua đã tách rời nhân dân. Đó là vấn đề phải chấn chỉnh” – ông Thiện phân tích.

PGS Lê Mậu Hãn (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề trong góc nhìn lịch sử, từ những ngày tháng đầu thành lập, Đảng đã thuyết phục, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ cách mạng vì khi xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao, đặt lợi ích dân tộc lên trước hết. Ông Hãn quả quyết: “Lịch sử đã chứng minh, Đảng là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đảng vì lợi ích của toàn dân, vì lợi ích dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh Đảng luôn gắn với dân, nên toàn dân sẽ bảo vệ Đảng”.

Trên cơ sở lập luận đó, ông Hãn đề xuất sửa Điều 4 theo hướng quy định Đảng là đội tiên phong của dân tộc Việt Nam. Đảng gắn bó với dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá các ý kiến góp ý rất sâu sắc, tâm huyết.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá các ý kiến góp ý rất sâu sắc, tâm huyết.

Ủy viên UB TƯ MTTQ Việt Nam Đặng Văn Khoa bổ sung thêm đánh giá, những phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch nước mới đây về những mặt được, chưa được của Đảng đã nhận được sự đồng cảm của dân. Hy vọng lần sửa đổi Hiến pháp này, Đảng nghe được nhiều ý kiến, tạo được sự đồng thuận lớn của toàn xã hội.

Là người ngoài Đảng, ông Khoa thừa nhận, bản thân suy nghĩ rất nhiều về Điều 4 và khẳng định, Hiến pháp vẫn cần thể hiện nội dung về sự lãnh đạo của Đảng.

8 triệu góp ý là kho tri thức giá trị

Chuyển sang nội dung chủ quyền nhân dân, đại biểu Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh đề cập vấn đề chủ quyền nhân dân là linh hồn của bản Hiến pháp lần này.

Ủy viên đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ Lù Văn Que kiến nghị cụ thể hóa chủ quyền nhân dân bằng cách mở rộng cách thức dân chủ trực tiếp theo nguyên tắc “việc gì dân làm được thì để dân làm”. Các quyền dân chủ trực tiếp đại biểu gợi ý là quyền được phúc quyết Hiến pháp, quyền biểu tình, quyền đối thoại với quan chức nhà nước…

PGS Lê Mậu Hãn khuyến cáo suy nghĩ, cân nhắc vấn đề Chủ tịch nước là do Quốc hội hay toàn dân đi bầu. Theo ông Hãn, quy định để toàn dân bầu Chủ tịch nước khẳng định thêm giá trị vị trí thượng tôn lá phiếu của nhân dân - thể hiện cụ thể, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân.

PGS Quách Sỹ Hùng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tiếp cận nội dung này ở góc độ yêu cầu Hiến pháp cần thể hiện rõ tinh thần pháp quyền, pháp trị. Ông Hùng lập luận: “Lâu nay giới luật gia đều quan niệm pháp chế là nguyên tắc của đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo phải bảo đảm xử lý tất cả các vi phạm Hiến pháp, pháp luật, từng vị trí trong tổ chức bộ máy đều phải tuân theo luật pháp. Pháp chế chính là công cụ để bảo vệ mọi quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.
 
Đại biểu cũng đề xuất Hiến pháp lần này có thể tạo nên một mốc son, mở ra một thời đại thực sự dân chủ, tiến bộ thể hiện ở quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Đặt vấn đề người dân chỉ được bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là vẫn quá hạn chế, ông Hùng cho rằng, những vị trí như Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND các cấp cũng do người dân trực tiếp bầu, không khí dân chủ sẽ rộng mở hơn. Khi đó, người dân bầu cử và có quyền giám sát hoạt động của các chức danh này.
 
Chủ tịch nước: Chúng tôi sẽ chủ động đặt hàng MTTQ các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến.
Chủ tịch nước: "Chúng tôi sẽ chủ động đặt hàng MTTQ các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến".

Đại biểu Đặng Văn Khoa lại chia sẻ, làm công tác mặt trận nhiều khóa liền, bản thân ông cảm nhận sâu sắc về việc lòng dân, tinh thần đoàn kết đem lại sức mạnh lớn đến chừng nào. Vì vậy, ông Khoa đề nghị Điều 2 dự thảo ghi rõ “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân”. Quy định như vậy, theo ông Khoa là đủ, không cần phải liệt kê các tổ chức chính trị, đoàn thể.

Đại biểu Thích Đức Thiện đề nghị quy định rõ vai trò, chức năng của Hội đồng Hiến pháp, gợi ý đổi sang mô hình UB Hiến pháp do Chủ tịch nước đứng đầu. UB Hiến pháp cần được giao quyền độc lập như tòa án, phán quyết những vấn đề đúng – sai trong việc thực hiện pháp luật của đất nước. Cùng với đó, đại biểu đề xuất tăng thêm quyền lực của Chủ tịch nước đối với các vấn đề lớn của quốc gia.

Phát biểu kết lại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá, các ý kiến góp ý rất sâu sắc, tâm huyết. Bày tỏ sự xúc động trước con số gần 8 triệu ý kiến góp ý MTTQ thu nhận được đến thời điểm này, Chủ tịch nước nhắc nhở, việc quan trọng lúc này là ở khâu lắng nghe, tổng hợp và chuyển tải đến cơ quan có trách nhiệm để tiếp thu, làm sao để có một bản Hiến pháp phản ánh, đáp ứng được ý nguyện của Đảng, của dân, toàn dân hài lòng.

Nhận định, việc lấy ý kiến nhân dân đã đem lại một kho tri thức rất có giá trị, Chủ tịch nước kết lại: “Việc lấy ý kiến góp ý sửa Hiến pháp kéo dài thêm 6 tháng, tôi sẽ còn quay lại nghe thêm các cụ, các vị góp ý. Có thể chúng tôi sẽ chủ động “đặt hàng” MTTQ các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến”.

Bài: P.Thảo
Ảnh: HL