1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tập hợp khách quan, đầy đủ những đóng góp sửa đổi Hiến pháp

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sơ bộ việc lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cơ bản thành công, đạt mục đích đề ra. Ông Phúc yêu cầu các địa phương tiếp tục tập hợp đầy đủ, khách quan… ý kiến đóng góp của nhân dân.

Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Chính phủ về lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố về thực hiện đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nắm bắt kết quả bước đầu về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện đã có 53 tỉnh/thành phố và 17 bộ gửi báo cáo sơ bộ về ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong quá trình thực hiện, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hướng dẫn việc lấy ý kiến, tổ chức quán triệt, đôn đốc và thành lập đoàn kiểm tra việc lấy ý kiến nhân dân. Nhiều bộ mời chuyên gia thuyết trình về nội dung sửa đổi Hiến pháp...

Tuy nhiên, quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân gặp phải một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc như việc lấy ý kiến trong thời gian gấp lại trùng vào thời gian nghỉ Tết dài và mùa lễ hội, trong khi đó các bộ ngành lại tập trung cao cho triển khai công tác năm 2013, do đó việc bố trí nhân lực khó khăn. Việc triển khai trùng thời điểm lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng phần nào ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp…

Vì vậy, tại cuộc họp một số địa phương đã kiến nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, sau khi gửi báo cáo, Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân tới các tổ dân phố, thôn, địa bàn dân cư để nhân dân có điều kiện đóng góp ý kiến sâu đối với các chương, điều cụ thể.

Hà Nội báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến đóng góp nhân dân Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Hà Nội báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến đóng góp nhân dân Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, song các địa phương đã lấy ý kiến theo đúng những văn bản hướng dẫn, kế hoạch của Trung ương. Nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo, thuyết phục, chú ý đến nhiều thành phần xã hội. “Sơ bộ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cơ bản thành công, đạt mục đích và yêu cầu đề ra. Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị trọng đại của dân tộc, thu hút sự tham gia góp ý của đông đảo nhân dân cả trong và ngoài nước”, ông Phúc khẳng định.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị tiếp tục tập hợp đầy đủ, khách quan, trung thực những ý kiến đóng góp của nhân dân... Phó Thủ tướng yêu cầu phải khẳng định rõ quan điểm, nhận định rõ ràng, không mơ hồ, chung chung đối với những vấn đề phức tạp nhất là những đề xuất, kiến nghị sai lệch đối với quan điểm, đường lối của Đảng... Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tranh thủ những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý để đảm bảo Hiến pháp có tính sâu sắc, lâu dài.

Về những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất việc nộp báo cáo của các địa phương, đơn vị gửi về Chính phủ trước 15/3, song việc lấy ý kiến nhân dân vẫ sẽ tiếp tục (đến trước khi Quốc hội chính thức thông qua).

Quang Phong