Quốc hội giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022
(Dân trí) - Năm 2022, Quốc hội sẽ thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, vấn đề đang được cử tri quan tâm, theo dõi.
Chiều 25/7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Theo đó, Quốc hội sẽ thực hiện và xem xét báo cáo giám sát đối với hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành
Riêng đối với chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021 và chuyên đề thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Trước khi các đại biểu bấm nút biểu quyết, báo cáo giải trình về những vấn đề đặt ra, ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (75,24%).
Hàng năm, Quốc hội đều dành thời gian để đánh giá về vấn đề này, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, cần thiết phải tiến hành đánh giá một cách toàn diện hơn.
"Kết quả giám sát hàng năm cùng với việc giám sát tối cao sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới" - ông Cường nói.
Đối với nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, hàng năm và cuối mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội đều quan tâm và dành thời gian để xem xét, thảo luận về các báo cáo năm cũng như báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, tồn tại, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết, trong đó có các chỉ tiêu về công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với nội dung này.
Đối với chuyên đề giám sát thứ hai, ông Cường cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 (khoản 2 Điều 58) quy định việc lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018. Tuy nhiên đến nay chưa có quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được phê duyệt, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất quốc gia, gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển của đất nước giai đoạn tới.
Nguyên nhân của việc chậm trễ này có cả khách quan và chủ quan.
Vì vậy, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề này là rất cần thiết và phù hợp với lựa chọn của đa số các vị đại biểu Quốc hội (59,91%) nhằm đánh giá lại việc triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; đồng thời, phát hiện các vướng mắc, khó khăn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Giám sát, giải trình một số chuyên đề vào thời điểm thích hợp
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, có đại biểu đề nghị bổ sung giám sát một số chuyên đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội (62.000 tỷ năm 2020 và 26.000 tỷ năm 2021) để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ; phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét những tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giao các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát hoặc giải trình vào thời điểm thích hợp.