Quốc hội “để mắt” toàn diện tới dự án bô xít
(Dân trí) - Trước thềm kỳ họp thứ 5, QH khóa XII, chương trình làm việc do Văn phòng QH công bố nóng hơn với dự án bô xít Tây Nguyên. QH sẽ xét báo cáo chi tiết của Chính phủ về việc triển khai dự án. Các ủy ban chức năng cũng sẽ “để mắt” giám sát.
Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri, theo ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, cần có một báo cáo riêng về dự án, người đứng đầu Văn phòng QH cho biết, Ủy ban thường vụ đã quyết định nội dung này. Theo đó, trong kỳ họp này, Chính phủ sẽ có một báo cáo chung về tình hình kinh tế xã hội, trong đó có phần về bô xít Tây Nguyên.
Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ có một báo cáo chi tiết đầy đủ, từ việc quy hoạch phân vùng, mục tiêu của dự án cũng như các bước triển khai dự án ở Tây Nguyên. Báo cáo này, do dung lượng dài, TS.Trần Đình Đàn khẳng định, sẽ không được đọc tại hội trường nhưng được dùng làm tài liệu cung cấp thông tin cho các đại biểu QH.
Chủ nhiệm Văn phòng QH nhấn mạnh, với tinh thần của Bộ Chính trị, xây dựng ngành công nghiệp bôxit-alumin nhôm phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Nguyên và cả nước. Dự án được “thông qua” trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường trước mắt và lâu dài.
Về việc thẩm tra, giám sát đối với dự án, ông Đàn khẳng định, QH hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô xít. Chủ trương này đã được đề cập ngay từ Đại hội IX, X của Đảng. Ngày 24/4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra thông báo về chủ trương tổ chức quản lý, khai thác giá trị tài nguyên nhằm phát triển đất nước và khu vực Tây Nguyên.
Phủ nhận nhiều thông tin lo lắng về những phức tạp xã hội khi triển khai dự án, ông Trần Đình Đàn “trấn an”, Tập đoàn Than - khoáng sản được giao là chủ đầu tư dự án. Việt Nam chưa có chủ trương bán cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Chính phủ cũng đưa ra yêu cầu đơn vị triển khai phải lựa chọn công nghệ hiện đại, thực hiện nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường.
Với vấn đề sử dụng lao động, ông Đàn nhắc lại quan điểm ưu tiên bố trí lao động trong nước. Hiện, một tập đoàn của Pháp cũng đang tập trung đào tạo cán bộ, chuẩn bị lao động cho dự án. Việc tuyển dụng lao động nước ngoài, nếu có, chỉ sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật.
Về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, ông Đàn cho biết, đề án này có mục đích hướng đến là ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng cao. Để đạt mục đích này, đề án hướng tới đối tượng học sinh nghèo và các cơ sở giáo dục ở vùng sâu vùng xa. Theo đó, việc tăng học phí là ở các cơ sở giáo dục tư nhân, các thành phố lớn, nơi có cơ sở vật chất tốt, đáp ứng nhu cầu của đối tượng dân cư có thu nhập khá giả.
Đề án cũng đề cập việc quản lý thu chi để đảm bảo chi phí giáo dục là hợp lý với từng loại đối tượng
“QH chắc chắn sẽ có cả một nghị quyết về cơ chế quản lý tài chính giáo dục. Cơ chế có 7 điểm, không phải là để tăng học phí mà để bố trí hợp lý, xây dựng nền giáo dục chất lượng cao”, ông Đàn nói.
Kỳ họp thứ 5, QH khóa XII, bắt đầu từ 20/5 tới sẽ xem xét thông qua 12 luật và dự án luật như Luật Quản lý nợ công, Luật quy hoạch đô thị, Luật nhà ở, đất đai sửa đổi… Sẽ có 5 dự án luật được đưa ra lấy ý kiến. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, kỳ họp này sẽ bổ sung thêm một dự án luật mới là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc sửa ba luật thuế: Thuế Thu nhập cá nhân; Thuế Giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế... Đây là nền tảng để xem xét việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm đạt mục tiêu kích cầu, đảm bảo an sinh xã hội. |
P.Thảo