1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quốc hội dành 2 ngày xem xét dự thảo Hiến pháp mới

(Dân trí) - Trọn 2 ngày làm việc cho phiên thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi vừa hoàn thành, gần 1 ngày cho việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao của nhà nước… Đây là một số nội dung quan trọng trong kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào tháng tới.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng (ảnh: Việt Hưng).
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng (ảnh: Việt Hưng).
 
UB Thường vụ Quốc hội đã gửi thông báo đến các đại biểu Quốc hội về việc triệu tập phiên họp thứ 5, bắt đầu từ 20/5 tới, dự kiến kéo dài đến 25/6. Kỳ họp sẽ có nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo, quyết định.

Về công việc thực hiện lần đầu - lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, dự kiến, các đại biểu có 1 buổi chiều làm việc tại tổ để bàn bạc, thảo luận.

Dự kiến, sáng 13/6, UB Thường vụ và Quốc hội dành thời gian nghe báo cáo tổng hợp tại các đoàn sau buổi thảo luận lấy phiếu tín nhiệm. Ngay sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu theo các nhóm lãnh đạo thuộc các khối cơ quan: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội; Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao.

Cuối giờ làm việc sáng, kết quả kiểm phiếu được công bố.

Một nội dung khác đặc biệt quan trọng, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến dành trọn hai ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Cũng về nội dung lập pháp, kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến thông qua 10 dự án luật. Trong số đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Đây là những luật được đề xuất bổ sung vào chương trình để xem xét theo quy trình thông qua trong 1 kỳ họp. Theo đó, các quy định như hạ mức thuế suất với doanh nghiệp từ mức 25% xuống còn 22%, áp dụng mức thuế ưu đãi 20% với doanh nghiệp vừa và nhỏ… có hiệu lực ngay từ 1/7/2013 nhằm có nhiều biện pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất vượt qua khó khăn.

Luật Đất đai sửa đổi cũng được xếp trong chương trình xem xét thông qua trong kỳ họp này mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị lùi thời điểm biểu quyết tới sau khi sự thảo Hiến pháp sửa đổi được thông qua. Hiện tại cũng vẫn tồn tại quan điểm khác nhau về vấn đề thu hồi đất với lý lo phục vụ các dự án kinh tế xã hội giữa quy định trong dự thảo luật Đất đai và dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Ngoài ra, UB Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo việc xin rút 1 dự án trình Quốc hội thông qua là Luật Hộ tịch và 3 dự án trình Quốc hội cho ý kiến: Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội.

Các nội dung về giám sát, thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách, chất vấn và trả lời chất vấn… vẫn sẽ được dành thời lượng tương xứng theo thông lệ.
 
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa đưa ra hai phương án về tên nước. Theo bạn:
Nên giữ tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
  

P.Thảo