1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Qui hoạch xe máy là qui hoạch mềm”

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh như vậy khi trả lời câu hỏi về khả năng số lượng xe máy vượt quá qui hoạch. Phó Thủ tướng đã cùng lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an trả lời những vấn đề bức xúc của việc thực thi pháp luật về giao thông…

Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề nóng của ngành giao thông đã được các thành viên Chính phủ chia sẻ trả lời các đại biểu trong phiên chất vấn chiều 24/4.

Số lượng xe máy sẽ vượt qui hoạch?

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai nêu vấn đề, chúng ta đã thành công trong việc bắt buộc đội MBH nhưng mũ lại không đạt chất lượng, rất nguy hiểm.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện cả nước có 120 doanh nghiệp sản xuất mũ và 50 doanh nghiệp nhập khẩu mũ. Các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu này, về cơ bản đều đảm bảo về chất lượng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là MBH kém chất lượng tràn lan do sản xuất giả và nhập lậu.

Bộ KHCN và Bộ Công Thương đã có những phối hợp kiểm tra, nhưng MBH kém chất lượng vẫn còn trôi nổi. Sắp tới đây, phải có việc kiểm tra, xử lí, thậm chí truy tố đối với việc sản xuất nhập lậu MBH kém chất lượng.

Bổ sung cho Bộ trưởng GTVT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, kiểm tra đối với 37 cơ sở sản xuất chính ngạch, số lượng mũ không đạt chất lượng chiếm 4%. Trong khi đó, kiểm tra chung trên thị trường có tới 62% lượng mũ không đạt.

Phó Thủ tướng khẳng định, cùng với việc kiểm tra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KHCN thường xuyên khuyến cáo với người sử dụng.

Vấn đề qui hoạch phát triển các phương tiện giao thông được đại biểu Lê Việt Trường đề đạt thẳng tới Phó Thủ tướng. Theo ông Trường, qui hoạch của Chính phủ là đến 2010, chúng ta sẽ có 24 triệu chiếc xe máy nhưng hiện nay đã có 22 triệu, mỗi năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 2 triệu chiếc và con số thực năm 2010 sẽ là 28 triệu chiếc?

“Nhìn vào con số thấy bất hợp lí nhưng qui hoạch xe máy là qui hoạch mềm, có tính định hướng cho doanh nghiệp sản xuất”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đáp lại. Theo ông Hải, nhu cầu xe máy rất lớn, nếu chúng ta hạn chế sản xuất sẽ dẫn đến hệ quả tăng nhập siêu, mất thị trường, mất việc làm…

Giao cắt đường ngang với đường sắt là vấn đề tiếp theo được đặt ra với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng sau đó. Ông Dũng cho biết, hiện tại số đường ngang hợp pháp là 1462, ngành đã có dự án đầu tư đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thời gian qua lại xuất hiện hơn 4229 đường ngang dân sinh, tự phát.

Việc đầu tư gác chắn, biển báo với số đường ngang phát sinh này là không xuể. Qui hoạch dân sinh ngày càng sát đường sắt cùng với việc buông lỏng của các địa phương đã khiến vấn đề trở nên phức tạp. Những tồn tại này sẽ phải được chấn chỉnh, siết lại trong thời gian tới.

Không để các vụ nhận mãi lộ rơi vào im lặng

“Chúng ta đã xử lí được bao nhiêu trường hợp CSGT nhận mãi lộ, làm “luật” người điều khiển phương tiện?”, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai chuyển sang vấn đề của ngành Công an.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, cảnh sát là “mặt tiền” của lực lượng CAND và CSGT là “mặt tiền của mặt tiền” nên Bộ rất chú trọng xây dựng lực lượng này trong sạch, vững mạnh.

Bộ đã ban hành qui chế, qui trình xử lí vi phạm của cảnh sát với người điều khiển các phương tiện nhằm hạn chế kẽ hở. Cùng đó, đề cao vai trò giám sát của nhân dân, góp phần ngăn chặn những mờ ám, dấm dúi…

Ông Quang cho biết, với những trường hợp CSGT vi phạm, đều đã xử lí nghiêm minh. Cụ thể, 143 trường hợp vi phạm trong năm vừa qua, ngành đã thực hiện các hình thức kỉ luật như tước danh hiệu, hạ cấp, thuyên chuyển công tác…

Thứ trưởng Quang cũng đề cập đến việc, trong năm qua có trên 13.000 lượt CSGT nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ, từ đó đề nghị, các cơ quan báo chí nếu phát hiện các trường hợp tiêu cực của CSGT hãy lập tức báo lại cho ngành. Các vụ việc sẽ được xác minh và không để rơi vào im lặng.

“Nếu đơn vị nào có trường hợp vi phạm mà không xử lí thì chúng tôi sẽ kỉ luật người đứng đầu đơn vị đó”, ông Quang nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Khánh nêu câu hỏi, nhiều hành vi mãi lộ CSGT của chủ các phương tiện vừa qua chỉ xử lí hành chính và như vậy có phải là hành chính hóa hình sự?

Đáp lại, ông Quang cho biết, chỉ đạo của Bộ Công an là tất cả các vụ việc đều phải lập biên bản, làm rõ và nếu nặng có thể khởi tố. Dẫn chứng cho điều này là trong năm 2007 đã khởi tố trên 5.000 vụ, xử lí hành chính trên 8.000 vụ.

Cấn Cường