“Qui định nữ nghỉ hưu bằng nam là thiếu trách nhiệm với chị em”
(Dân trí) - Chiều 26/10, Hội trường Ba Đình dường như “nóng” hơn mọi ngày khi các đại biểu thảo luận Luật Bình đẳng giới. Vấn đề được “mổ xẻ” nhiều nhất là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
“Được nghỉ” chứ không phải “bị nghỉ”
Qui định lao động nữ nghỉ hưu sớm ảnh hưởng đến những quyền lợi như lương hưu thấp, khó qui hoạch, bổ nhiệm cán bộ… đại biểu Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) trình bày ý kiến của mình. Trước đó, quan điểm này cũng được đề cập vì lo ngại nghỉ hưu sớm sẽ khiến lao động nữ… thiệt.
Không đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng kể câu chuyện về những lao động nữ ngành cao su: “Do công việc nặng nhọc nên lao động nữ ngành này thường phải nghỉ ở độ tuổi 45 và không được hưởng chế độ hưu, chấp nhận lĩnh lương một lần. Thậm chí, có chuyện con đi làm thay mẹ để chờ đủ tuổi nghỉ hưu”.
Ông Tùng đề nghị việc qui định tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu lao động. Vì vậy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Đại biểu Bùi Sĩ Tiếu (Thái Bình) cho rằng, cần nhận thức đúng việc nữ lao động nghỉ hưu ở tuổi 55, sớm hơn nam 5 năm là “được nghỉ” chứ không phải là “bị nghỉ”.
Theo ông Tiếu, đa số chị em đều mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 55, chỉ một số ít lao động nữ làm việc trong lĩnh vực quản lý hoặc công việc có thu nhập cao mới có nhu cầu làm thêm.
Ông Tiếu cũng cho rằng, nếu qui định tuổi nghỉ hưu bằng nhau là thiếu trách nhiệm với chị em.
Vấn đề có nên đưa tỉ lệ đại biểu dân cử là nữ vào luật hay không cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, quyền lựa chọn đại biểu là của dân nên nếu đưa vào mà tỉ lệ không đạt sẽ khó xử lý. Đại biểu Chi chỉ ra chính một số ưu tiên trong qui định bầu cử nữ đại biểu dân cử khiến việc này gặp khó khăn.
Theo đại biểu Kim Chi, Việt Nam không thiếu phụ nữ giỏi giang và nếu họ được bầu sẽ cải thiện hình ảnh nữ đại biểu trong con mắt cử tri, từ đó sẽ nâng cao tỉ lệ đại biểu nữ mà không cần phải có qui định trong luật.
E ngại mô hình ngân hàng mô tư nhân
Sáng 26/10, dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng được mang ra bàn thảo. Đại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận) lo ngại liệu về những qui định, tiêu chuẩn đối với ngân hàng mô tư nhân và đặt câu hỏi liệu nó có hoạt động theo nguyên tắc phi thương mại được không?...
Đại biểu Trương Thị Vân (Nghệ An) phản đối thành lập ngân hàng mô tư nhân vì việc quản lý, vận chuyển, lưu giữ và cung ứng mô yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và chi phí lớn. Trong khi luật quy định nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận nên dễ làm cho nguyên tắc phi lợi nhuận bị vi phạm.
Nhìn từ góc độ bảo vệ pháp luật, đại biểu Nguyễn Khánh Toàn đề nghị xác định rõ tử tù, những người tù chung thân có được hiến mô và hiến xác không? Với những người này thì chính sách hình sự đối với họ thế nào? Có giảm hoặc thay đổi mức án không?
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị tử tù mà hiến tạng thì nên hạ xuống mức chung thân.
Đức Hoà