"Quét sạch mạng nhện" cho Hà Nội trước năm 2010?
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định "hạ ngầm tất cả tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước năm 2010". Nhìn những đường phố chăng đầy "mạng nhện" như hiện nay, người dân không mấy lạc quan với dự án này.
"Mạng nhện" - nỗi kinh hoàng của người dân Thủ đô
Trước đây, ở đầu phố Phan Huy Ích (Hà Nội) có một cây gấc rất sai quả. Cứ vào mùa, gấc chín đỏ cả một góc phố. Điều đáng nói là cây gấc này sống nhờ vào búi dây điện lằng nhằng của chiếc cột điện đặt gần đó. Thậm chí, ngay trên cột điện gần đấy với đủ các loại hộp được treo, từ hộp kỹ thuật, hộp công tơ, hộp điện thoại... cũng được cây "yêu quí ôm lấy". Khi búi dây ấy được chia ra nhiều hướng để đến các hộ gia đình thì thân cây cũng bám theo.
Nhìn những quả gấc chín đỏ cứ lủng lẳng nặng trĩu trên búi dây điện, rất nguy hiểm. Vì vậy, về sau, dù rất tiếc nhưng người chủ cây gấc quyết định chặt gốc để "giết" giàn gấc, không làm ảnh hưởng đến sự an toàn chung.
Cách không xa nơi đó có một gia đình đến mua nhà trên phố Quan Thánh. Ngay trước ngôi nhà có một cây cột điện chi chít những sợi dây điện. Ngay sau khi chủ mới về, chiếc cột điện cùng những búi dây lằng nhằng đã được dịch chuyển ra khỏi mặt tiền nhà, cách xa nhà. Nghe nói, bên cạnh việc có quan hệ tốt với chính quyền, chủ nhà còn phải chi thêm hàng chục triệu đồng để làm công tác di dời này.
Có cột điện ở gần nhà hay các dây cáp đi qua nhà đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của mọi người dân. Nhiều gia đình có cửa sổ cũng như không do đường dây nằm quá sát cánh cửa, mỗi khi trời mưa điện phóng lẹt xẹt...
Cuộc sống càng văn minh, "mạng nhện" càng nhiều. Từ dây điện cao thế, hạ thế, dây loa phóng thanh, đến đường cáp điện thoại, cáp truyền hình, đường truyền internet.... Chúng chẳng tuân theo một quy luật nào, cứ chỗ nào đi được là đi, chỗ nào mắc được là mắc, tạo thành những búi dây lớn, nặng trĩu, đôi khi sà xuống ngang tầm người đi đường gây nên những tai nạn đau lòng.
Hạ ngầm không đồng bộ
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, trong năm 2008 sẽ tiến hành hạ ngầm đường cáp điện tại 10 tuyến phố: Lương Văn Can, Hàng Khoai, Lãn Ông, Bát Sứ, Hàng Vải, Hàng Gà, Lò Rèn, Hàng Đồng, Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Quang Bích.
Cho đến thời điểm này, một số phố đã có sự thay đổi đáng kể như ở ngã tư phố Bát Sứ với phố Hàng Bút, các đường dây cáp điện được thu vào hai ống rồi dẫn xuống đất. Cả một vùng sáng sủa sau bao nhiêu năm bị "chăng tơ" chằng chịt.
Tuy nhiên, mới có đường dây điện được hạ ngầm; còn rất nhiều các loại dây khác như dây điện thoại, truyền hình cáp,... vẫn tồn tại. Hầu hết các đơn vị cung cấp những dịch vụ này đều sử dụng chung hạ tầng là những trụ điện của ngành điện hoặc phải kéo vá tạm bợ, gây mất an toàn.
Sự không đồng bộ của các cơ quan đồng nghĩa với nguy cơ người dân sẽ phải chịu đựng cảnh đường xá bị cày xới liên tục mà vẫn không chắc sẽ thoát cảnh "mạng nhện" trên không.
Thực tế, việc triển khai hạ ngầm và sắp xếp lại các đường dây đi nổi trên các tuyến phố, các khu đô thị, khu tái định cư trên địa bàn Thủ đô là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của các doanh nghiệp. Chừng nào trách nhiệm ấy không được cụ thể hoá bằng việc làm thì chừng đó mục tiêu phải hạ ngầm tất cả các tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ e rằng còn khó thực hiện.
Lan Hương