Quay quắt Lân Cà!
(Dân trí) - Trưởng bản Lân Cà (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) Triệu Nho Tiên nói như mếu: “Cả bản quanh năm phải ăn ngô thôi. Sáng, trưa, chiều, tối, cả nhà đều nấu ngô thay cơm cán bộ à…”.
Phác thảo ban đầu về một “bản thiếu gạo” bằng tường trình của ông trưởng bản khiến người nghe chạnh lòng. Nhiều năm nay, người dân bản Lân Cà quanh năm ăn ngô, họa hoằn lắm mới có bữa cơm trắng... Nhớ gạo trắng, người dân xay ngô thành những hạt nhỏ giống như hạt gạo, họ nói đó là cách “bắt” ngô thành gạo.
Đường vào bản Lân Cà trầy trật bánh xe lăn. Trong màn sương sớm, những mái nhà xập xệ nhú lên từ các khung đồi hiu hắt. Lọt thỏm giữa đại ngàn, Lân Cà như đứa con đơn độc giữa mây và gió, quanh năm chỉ có mưa rừng và nắng trời. Trẻ con, người già, người lớn bao năm “trưởng thành” từ cây sắn. Thứ thức ăn theo họ mỗi ngày.
Trưởng bản Tiên thật thà, Lân Cà có 49 hộ thì có 100% hộ nghèo. “Quanh năm người dân phải ăn ngô, ăn nhiều ngô thì nóng ruột, nóng ruột thì khó ngủ, khó ngủ... thì đẻ nhiều. Đẻ nhiều dẫn đến đói nghèo. Cái vòng luẩn quẩn này bao năm nay Lân Cà vẫn chưa thoát được”, ông Tiên nói về cái sự túng đói của bản nghe mà đắng lòng.
Đất canh tác cằn cỗi, cái đói, cái nghèo như ám ảnh muôn đời với dân bản vùng cao của Lạng Sơn. Vào vụ mùa còn có gạo để ăn, những tháng giáp hạt thì cả bản đói quay đói quắt.
Những hộ “giàu” ở Lân Cà chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Giàu” ở đây là nói cho oai thế thôi, chứ cũng chỉ có 4, 5 nhà có gạo độn ngô mà ăn trong vài tháng, còn lại thì cũng toàn ăn sắn lót dạ.
Cả bản phải thắp đèn dầu vì chưa có đường điện thắp sáng. Sống gần rừng, người dân cũng bám rừng mà sống, nhưng mỗi lần bán được mấy khúc gỗ thì lấy tiền mua rượu, mua thức ăn hết. Ở Lân Cà, gia đình nào có nổi một triệu đồng là được “phong” triệu phú. “Không có đâu, tiền ở đâu mà để dành nhiều thế”, trưởng bản Tiên cất lời.
Dò đường trong làn sương đêm, chúng tôi tìm đến nhà anh Triệu Sinh Chi. Căn nhà sàn được gán ghép bởi đủ thức gỗ. Trong thung lũng Lân Cà, để chống lại cái lạnh, nhà nào cũng phải nhóm lửa. Bên bếp lửa mịt mù khói, bốn đứa con anh Chi cầm bát ngô ăn ngon lành. Đứa lớn thì gặm bắp, còn đứa bé nhất thì vợ anh Chi xay ngô nấu cháo cho ăn. Vợ anh Chi bảo, quanh năm chỉ có gạo ăn độn ngô được bốn tháng thôi, còn thì ăn ngô suốt. Những tháng giáp hạt, đến ngô cũng không còn. Khi hết ngô, hết gạo thì cả nhà lấy củ mài, củ nâu, thân cây chuối rừng làm thực phẩm.
Để “thay đổi khẩu vị”, người Lân Cà chế biến bắp ngô theo cách riêng của mình. Hôm nay ăn cả bắp thì ngày mai chuyển sang ăn bột, ngày kia chuyển sang nấu cháo. Vợ trưởng bản Tiên chỉ vào nồi cháo ngô đang sôi trên bếp than, mời nhiệt tình: “Cán bộ đến Lân Cà mà không ăn cháo ngô thì buồn quá”…
Ở Lân Cà cũng có trường học, và tỉnh cũng đầu tư xây dựng một nhà văn hoá, trang bị thêm chiếc vô tuyến để phục vụ đời sống dân sinh bà con trong bản. Tuy nhiên, chỉ những hôm bản có việc trọng đại mới mở cho bà con xem vì muốn mở ti vi phải dùng máy phát điện, lại tốn xăng. Với giá xăng đắt như hiện nay, trưởng bản chỉ dám mua đôi lít chạy máy phát điện cho bà con ngó qua cái ti vi.
Nói về giải pháp thoát nghèo cho bà con, Chủ tịch xã Trấn Yên - Hoàng Văn Chẩn - ngắc ngứ, “khó lắm”. Lân Cà ruộng có đấy, nhưng chỉ cấy được một vụ mà vụ được, vụ không. Ông Tiên thì ngán ngẩm, cấy lúa mà không có hệ thống thuỷ lợi, năm nào cũng trông đợi vào nước trời thì đói cũng không biết kêu ai. Đói, người dân lại đi phá rừng để kiếm cái ăn. Theo đó rừng ngày càng bị thu hẹp, nước ở khe suối ít dần đi, nên việc canh tác càng khó khăn hơn.
Trần Hưng