1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh mời chuyên gia hiến kế phát triển “kinh tế xanh”

(Dân trí) - “Phải nhìn thẳng vào sự thật, Quảng Ninh vừa phải phát triển kinh tế vừa phải đối mặt với ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra là cần có phương án tốt hơn nữa giúp Quảng Ninh triển kinh tế bền vững và giữ được môi trường”.

Đó là bộc bạch của ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại Diễn đàn Quảng Ninh trước những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu – Đối thoại luật Bảo vệ môi trường  năm 2014, diễn ra ngày 12/6. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, trong những năm trở lại đây Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh. Trên địa bàn tỉnh đã có 11 khu công nghiệp được quy hoạch và phát triển.

Thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh đã cụ thể hoá giải pháp thực hiện của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Quảng Ninh trước áp lực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Quảng Ninh trước áp lực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Song hành cùng với phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn trong khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch; phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống…

Theo kế hoạch, trong những năm tới Quảng Ninh sẽ phát triển nền kinh tế- xã hội toàn tỉnh theo nhiều hướng tích cực. Cụ thể, vấn đề giao thông sẽ nằm trong nhóm ưu tiên phát triển hàng đầu. “Tỉnh sẽ dừng những chương  trình chưa cần thiết để tập trung phát triển ngành giao thông. Có thuận lợi giao thông thì kinh tế mới phát triển.” – ông Hậu nhận định.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, theo kết quả nghiên cứu, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Theo kinh nghiệm từ các nước phát triển, phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đem lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Quảng Ninh trước áp lực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Còn theo ông PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), phạm trù "Kinh tế xanh" mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010. Đến nay, chúng ta chưa có một văn bản chính thức nào về chính sách phát triển ‘Kinh tế xanh’. Bên cạnh đó, việc xây dựng nền “kinh tế xanh” gắn liền với sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường… vẫn còn khá mới mẻ.

Trước những thách thức được đặt ra với Quảng Ninh,  tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà báo hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đã chia sẻ quan điểm cũng như hiến kế giúp Quảng Ninh phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, hàng năm, Tập đoàn phải trích 1,0% - 1,5% chi phí sản xuất để lập quỹ Môi trường. Tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV hiện nay là gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Ichiro Adachi, chuyên gia Chính sách và Quản lý Môi trường của JICA, đã xác định sáng kiến "Thành phố tương lai” là một trong những Dự án chiến lược quốc gia trong "Chiến lược Tăng trưởng mới". Mục tiêu cuối cùng là để đạt được một xã hội hồi sinh và bền vững với hệ thống kinh tế xã hội mới như thành phố hướng tới trọng tâm là con người, để từ đó tạo ra các giá trị mới nhằm giải quyết thách thức về môi trường và lão hóa.

Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, để thực hiện được tăng trưởng xanh, các quốc gia cần chú trọng vào mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước cần phải định hướng và đưa ra những chính sách phù hợp để tạo ra sự hài hòa trong mối quan hệ này vì một mục tiêu chung - xây dựng nền “kinh tế xanh”.

Phạm Thanh