1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Quảng Nam: Trà Giang có cường hào mới

Tập thể và các cá nhân cán bộ lãnh đạo xã Trà Giang, huyện miền núi Bắc Trà My ngang nhiên chiếm đoạt đất đai, bớt xén, ăn chặn của người dân; lợi dụng chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước để khai khống, lấy tiền chia chác cho nhau...

Quá nhiều sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo xã đã khiến nhân dân bức xúc, khiếu kiện tập thể.

 

Những “địa chủ mới”

 

Chủ tịch UBND xã Trà Giang - ông Hồ Thanh Hà - tự cho mình quyền được lấy đất của người dân về làm đất của mình. Tại thôn 2, ông Hà có 13,5 ha đất lâm nghiệp, tuy nhiên có đến 5,4 ha lại là đất ông Hà chiếm đoạt của người dân.

 

Trong diện tích này, 0,3 ha là đất bà Nguyễn Thị Duy đang sản xuất thì bị ông Hà chiếm lấy. Hơn 5 ha đất của bà I No cũng rơi vào tay ông Hà bằng cách: Vào năm 2001, ông Hà chỉ xin của bà I No một ít đất để làm ao cá, rồi lấn dần ra, đến năm 2003 thì đưa cho bà I No 500.000 đồng, hứa sẽ làm giấy chứng nhận cho bà. Thực tế thì ông Hà đã lập hồ sơ và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông tự lúc nào.

 

Tại thôn 3, ông Hà còn có hơn 32 ha đất lâm nghiệp. Đất này ở vùng giáp ranh 2 xã Trà Giang và Trà Dương, ban đầu do ông Lê Chí Thanh - Chủ tịch UBND xã Trà Dương - khai phá và sản xuất, nhưng do giữa 2 xã có sự tranh chấp, lợi dụng “thời cơ”, ông Thanh rủ ông Hà cùng lập hồ sơ xin cấp đất.

 

Mặc dù hồ sơ không ghi đầy đủ các nội dung, trong đó có đến hơn 24 ha là rừng tự nhiên, nhưng vẫn được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích rừng tự nhiên này vào mục đích sản xuất. Học theo Chủ tịch xã, ông Mai Văn Yến - cán bộ địa chính xã - cũng chiếm đất của dân, và hợp thức hoá để được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích gần 18 ha.

 

Ăn chặn, chia chác tiền của dân

 

Ông Hồ Thanh Hà tiếp tục “kết nối” cùng ông Thanh - Chủ tịch xã Trà Dương - lập phương án trồng rừng trên diện tích 32,4 ha để lợi dụng chính sách vay vốn ưu đãi từ Dự án trồng rừng do Ngân hàng Thế giới (WB3) tài trợ, và mỗi vị được cho vay 90 triệu đồng để đầu tư trồng rừng, trong khi kết quả (tỉ lệ cây trồng sống là... 0%).

 

Cũng trong dự án WB3, rất nhiều hộ dân ở xã đăng ký, đề nghị UBND xã đo, vẽ, lập hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận và tham gia dự án, nhưng đều bị ông Yến - cán bộ địa chính xã - viện lý do để không thực hiện. Tổng cộng, 16 hộ được vay vốn trồng rừng dự án WB3 năm 2005, với lãi suất ưu đãi 0,5% (Trà Giang được chọn “thí điểm”), thì cán bộ, bà con, anh em cán bộ xã hết 12 người, gồm vợ, chị của ông Hà - Chủ tịch xã; con, em vợ của ông Yến - cán bộ địa chính xã; vợ ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch xã; vợ ông Hồ Văn Nam - Phó Bí thư Đảng uỷ xã...

 

Dự án trồng rừng 661 - năm 2004, hồ sơ do chính ông Hà ký, ở thôn 1 có 2 hộ diện tích gần 16 ha thì ông Hà chiếm gần 14 ha; thôn 2 có 6 hộ diện tích hơn 46 ha thì bà Thuỷ - chị ông Hà là 14 ha. Đến năm 2005, thôn 2 có 13 hộ, diện tích hơn 46 ha thì 9 hộ là cán bộ xã, thôn, chiếm hơn 22 ha.

 

Cần xử lý nghiêm minh

 

Trà Giang vốn là xã đặc biệt khó khăn, đến năm 2005 mới thoát được cảnh đói nghèo, ra khỏi Chương trình 135... Tuy nhiên, ở đây lại xảy ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng của “bộ sậu” lãnh đạo xã, như tuỳ tiện bán, chia chác gạo cứu đói của dân, ăn chặn tiền quà cứu trợ, khai khống diện tích khai hoang để chiếm đoạt tiền Nhà nước và ăn chặn của dân... Các sai phạm nghiêm trọng này xảy ra trong thời gian dài. Đến khi người dân khiếu kiện tập thể, từ tháng 3/2006 - đến tháng 8/2006, huyện mới có kết luận sai phạm. Tuy nhiên, việc xử lý các cá nhân, tập thể sai phạm hiện vẫn chưa được thực hiện.

 

Người dân cho rằng còn nhiều sai phạm của cán bộ xã cần được làm rõ, cũng như sự tiếp tay của các cán bộ huyện.

 

Theo Trương Tâm Thư

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm