1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam sáp nhập 3 địa phương vào thành phố Tam Kỳ

Công Bính

(Dân trí) - Ba địa phương gồm TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh của tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ được sáp nhập để xây dựng TP Tam Kỳ trở thành đô thị loại I vào năm 2024.

Tỉnh ủy Quảng Nam vừa tổ chức phiên họp giữa các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển đô thị để đưa TP Tam Kỳ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Quảng Nam sáp nhập 3 địa phương vào thành phố Tam Kỳ - 1

Ngày 15/8, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức phiên họp giữa các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển đô thị để đưa TP Tam Kỳ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh (Ảnh: T.H).

Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng - cho hay thực hiện Đề án xây dựng và phát triển đô thị loại I dựa trên quy hoạch, sắp xếp 3 đơn vị hành chính TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và Núi Thành theo Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản tập trung vào các nội dung xây dựng chương trình phát triển đô thị loại I, xây dựng cơ chế về tài chính, hỗ trợ đầu tư.

TP Tam Kỳ hiện có 13 phường xã, dân số hơn 120.000 người, diện tích 93km2. Huyện Phú Ninh có một thị trấn và 10 xã, dân số hơn 77.000 người, diện tích 156 km2. Huyện Núi Thành có một thị trấn và 16 xã, diện tích 533km2, dân số gần 150.000 người.

Ông Nguyễn Phú cho hay với phương án sáp nhập TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành và Phú Ninh thành một đơn vị hành chính mới sẽ đảm bảo tính chất đô thị động lực của vùng, đảm bảo quy mô diện tích, tiêu chí về dân số và có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển một không gian đô thị chiến lược trong tương lai cho Quảng Nam.

Tổng diện tích của vùng đô thị mới khoảng 904km2, dân số quy đổi gần 450.000 người.

Quảng Nam sáp nhập 3 địa phương vào thành phố Tam Kỳ - 2

Một góc đô thị Tam Kỳ (Ảnh tư liệu).

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Núi Thành hoàn toàn thống nhất chủ trương sáp nhập để tập trung xây dựng, phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Thành viên Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa của việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính này; trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập phải có tính định hướng về quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông, cũng như các vấn đề trọng tâm khác.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - thống nhất cao với phương án sáp nhập 3 đơn vị hành chính Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng việc sáp nhập hoàn toàn có cơ sở khoa học, phù hợp về văn hóa vùng miền.

Đồng thời, ông Lê Trí Thanh yêu cầu Sở Nội vụ và Sở Xây dựng chủ trì đề xuất các nhiệm vụ liên quan trong xây dựng đề án sáp nhập cũng như xây dựng, phát triển đô thị loại I. Sở KH-ĐT nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho 3 đơn vị này trên lộ trình sáp nhập.

Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cho rằng việc sáp nhập này nhằm tập trung nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển đô thị loại I của tỉnh. Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống người dân, thu hút đầu tư, thúc đẩy và hình thành các đô thị vệ tinh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thành báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 08, trên cơ sở đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ kết luận, đưa ra các giải pháp hoàn thiện.

Đối với cơ chế đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết vẫn tiếp tục đầu tư hạ tầng cho 3 đơn vị hành chính nhưng phải có tính quy mô, tương thích với tiêu chí của đô thị loại I. 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phấn đấu đến quý II/2023 trình Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh và đến năm 2024 tiến hành sáp nhập.