Quảng Nam: Làng nhang Quán Hương hối hả vào vụ Tết
(Dân trí) - Ăn vội bữa cơm trưa chưa kịp uống nước, 10 công nhân của gia đình ông Lê Văn Anh lại bắt tay vào se nhang cho kịp khách hàng đến lấy. Điện thoại của ông Anh liên tục đổ chuông của bạn hàng hỏi nhang đã có chưa?
Nghỉ tay uống chén trà nóng, ông bảo: "Nghề nhang này làm quanh năm, qua Tết đến ngày mồng sáu là lại bắt tay vào làm lại bởi nhang làm ra không sợ bị ế vì người Việt mình ai trong nhà lại không có lư hương, nhất là mấy ngày Tết nhu cầu thắp nhang cho bàn thờ ông bà thêm ấm cúng cũng tăng lên."
Miệt mài se nhang...
Theo những người sản xuất nhang lâu năm ở đây cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi nên làm ra cây nhang cũng vất vả hơn. Sau khi se, nhang phải được phơi nắng tự nhiên mới có mùi thơm, không thể sấy bằng than vì sẽ bị bay mùi. Năm nay không có nắng lại hay mưa phùn nên nhang lâu khô. Tranh thủ những lúc không mưa, hàng chục người trong làng tranh thủ trải nhang trên giàn phơi để kịp giao cho khách hàng.
Bà Dương Thị Hoa, một người sản xuất nhang lâu năm ở đây cho biết: Trong tháng Chạp này, nhiều khách hàng đặt mua nhưng sản xuất không thể nhiều hơn vì trời không nắng. Mấy ngày gần đây liên tục “cháy” nhang vì sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ giao cho khách.
... Rồi tranh thủ đem phơi để kịp giao cho khách hàng
Những người làm nhang ở đây cho biết, làm nhang không khó. Cũng như nhiều nơi khác, nguyên liệu làm nhang gồm tăm, bột quế, bột keo, bột cưa, mùi vị… Tuy nhiên, với các bí quyết pha trộn khác nhau mỗi loại hương đều mang những mùi thơm đặc trưng khó lẫn lộn với hương của các làng nghề khác nên được thị trường ưa chuộng.
Làm nhang là một công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều sức khoẻ, ai cũng có thể làm được và mang tính chất gia đình. Người lớn thì nhồi bột, nhúng hương, trẻ em người già thì se nhang, đóng gói... Mỗi gia đình 4 người một ngày có thể làm được khoảng 4 muôn nhang (40 ngàn cây).
Theo ông Lê Văn Chững, Bí thư thôn cho biết, mỗi năm làng nghề cung ứng ra thị trường hơn 1 ngàn kiện nhang (1 kiện nhang bằng 150 ngàn cây), tổng doanh thu gần 10 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ ngoài Quảng Nam còn trải dài đến các tỉnh miền trung từ Quảng Trị đến Phú Yên và lên Tây Nguyên.
“Nhiều hộ gia đình tại làng Quán Hương mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng cũng nhờ sản xuất nhang, kinh tế địa phương cũng ổn định nhờ cây nhang, con cái học hành đầy đủ cũng từ cây nhang mà ra”, ông Chững tâm sự.
Công Bính