Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân trắng tay sau cơn “đại hồng thuỷ”
(Dân trí) - Sau trận “lũ kép” lịch sử, hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Quảng Bình đang rơi vào cảnh trắng tay. Nhà cửa tan hoang, bao nhiêu tài sản có giá trị cũng bị cuốn trôi theo lũ…
Ngày 23/10, PV Dân trí đã có mặt tại một số địa phương được xem là tâm điểm của cơn “đại hồng thuỷ” vừa quét qua tại tỉnh Quảng Bình. Đi đến đâu, chúng tôi cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến khung cảnh nhiều làng mạc xác xơ, những ngôi nhà tan hoang do mưa lũ càn quét.
Đang hì hục bên số thóc ít ỏi còn sót lại sau lũ, ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn Đông Hải, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) bần thần cho biết, trận lũ vừa qua đã khiến nhà ông bị ngập trong nước gần 1 tuần, nhiều tài sản có giá trị đã bị cuốn trôi, hư hỏng. “Nhà được gần 2 tạ thóc đã bị nước ngâm nhiều ngày nên giờ nảy mầm như ri (thế này) đây, không biết rồi đây lấy chi mà ăn nữa”.
Kế đó, anh Ngô Văn Dũng (ở cùng thôn) cũng đang thất thần với những bao lúa ướt sỉnh, đang nảy mần. Còn bà Nguyễn Thị Hiếu vẫn chưa hết sợ hãi khi kể lại giây phút đối mặt với dòng nước lũ dữ tợn. “Con cái đứa đi làm ăn xa, trong nhà có đứa bị mù, con dâu lại trở dạ trong lũ, hôm lũ vô ngập nhà may mà có những người hàng xóm sang giúp đưa cả nhà đến túp lều ở mô đất cao sau nhà ông Nguyễn Văn Duẩn, trưởng thôn không thì giờ ni không biết có còn sống không nữa”, bà Hiếu kể.
Rời huyện Quảng Ninh, chúng tôi ghé thăm huyện vùng trũng Lệ Thủy, nơi đây là địa phương vừa phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn lũ lịch sử. Gặp chúng tôi, Bí thư huyện Lệ Thủy, ông Lê Vĩnh Thế cho biết, trận “lũ kép” vừa qua đã nhấn chìm hàng chục ngàn hộ dân nơi đây, nhiều gia đình nước lũ ngập tới nóc.
“Con số thiệt hại bây giờ chưa thể kê khai được, nhưng chắc chắn là rất lớn, bởi hàng ngàn gia đình bây giờ đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn, bao nhiêu tài sản có giá trị hầu như đã trôi theo nước lũ”, ông Thế nói ngắn gọn rồi bước lên ca nô dẫn đoàn cứu trợ đi giúp dân gượng dậy sau lũ.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn còn khoảng gần 1 ngàn ngôi nhà ngập trong nước lũ. “Tui sống ở vùng đất sông nước ni đến nay cũng đã hơn 70 năm nhưng chưa có năm mô lụt kinh hoàng như năm ni cả. Lũ chồng lũ đã khiến bà con nơi đây trở tay không kịp. Nhiều gia đình giờ trắng tay rồi chú ơi!”, ông Nguyễn Văn Quang, một người dân ở xã Lộc Thủy xót xa.
Rời vùng đất Lệ Thủy, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Minh Hoá, nơi đây có xã Tân Hóa được ví là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình. Cơn “đại hồng thuỷ” kinh hoàng năm nay đã nhấn chìm gần 2 ngàn ngôi nhà ở huyện này. Khoảng 40 ngôi nhà nằm trong vùng sạt lở cũng đã được di dời khẩn cẩp. Riêng 34 hộ dân ở bản Cha Lo gần Đồn Biên phòng Cha Lo, nơi vừa xảy vụ sạt lở kinh hoàng hôm 19/10, cũng đã được di dời tới bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa.
Trận lũ lịch sử vừa qua đã khiến ngôi nhà của ông Đinh Bá Lưu (63 tuổi) và bà Cao Thị Ngọc (60 tuổi) tan hoang. Đang cố lục tìm xem những gì còn có giá trị trong đống đổ nát, bà Ngọc nói trong nước mắt: “Trước lũ, vợ chồng tui mượn tiền về mua ngói mới lợp lại cái nhà để ở cho an toàn, ổn định. Thế nhưng, nhà chưa kịp sửa thì giờ đã tan hoang như ri. Khổ lắm các chú ơi! Giờ hai ông bà già không biết sống răng đây nữa”.
Còn tại huyện Tuyên Hoá, lũ cũng đã khiến hàng ngàn hộ dân nơi đây rơi vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt là các xã ven sông Gianh. Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện tại nước lũ cơ bản đã rút hết, lũ lụt cũng đã khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
“Riêng tại xã Thạch Hóa và Thuận Hóa hiện có khoảng 40 ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân này đang rơi vào tình cảnh rất nguy hiểm, đang cần sự hỗ trợ kịp thời để họ sớm ổn định cuộc sống”, ông Tín bày tỏ.
Ở Quảng Bình, hiện tại không riêng gì các địa phương được ví là vùng “rốn lũ”, tâm lũ mà cuộc sống sau lũ lụt của nhiều hộ dân tại các địa phương như thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới cũng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, bĩ cực, rất cần lắm những tấm lòng sẻ chia!
Một số hình ảnh về thiệt hại mưa lũ do phóng viên Dân trí ghi lại.
Theo số liệu báo cáo nhanh bước đầu từ các địa phương của tỉnh Quảng Bình, đến chiều ngày 23/10, mưa lũ đã làm 11 người chết và 95 người bị thương; 109.254 nhà ở bị ngập sâu trong nước lũ; 13 nhà dân bị sập...
Toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 ngôi nhà đang ngập trong nước lũ; chủ yếu ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Nhiều thôn, bản vẫn đang còn bị cô lập, chia cắt ở huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Trạch; đặc biệt còn 52 thôn, bản vùng biên giới vẫn đang bị cô lập, chia cắt.
Các hộ dân được di dời ở các huyện, thị xã, thành phố đã trở về nhà, tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 4.000 hộ dân chủ yếu ở Lệ Thủy chưa thể trở về nhà để ở do nhà vẫn đang ngập nước hoặc hư hỏng.