1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quan xã” vô cớ đập phá nhà dân

(Dân trí) - UBND xã kéo một đoàn người gồm đầy đủ các vị quan chức trong xã xuống đập phá tan hoang nhà chị Thế Thị Thắng (đội 5, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) mà không một lời giải thích.

Hành xử kiểu “ma làng”

Đứng trên đống gạch vụn, chị Thế Thị Thắng, con gái bà Quang Thị An và ông Nguyễn Thế Tiến, kể lại sự việc như sau: Chiều g17/1/2008, đang ngồi trong nhà bỗng chị thấy một nhóm người kéo đến gồm: Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Mạc; Trưởng công an xã Trần Đình Trường; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội phụ nữ Đình Thị Hải, Đăng Thị Ca; Chủ tịch Hội người cao tuổi Phùng Văn Hùng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tên là Quán; một công an đeo lon thượng úy (không đeo bảng tên)...

Ông Mạc gọi mẹ chị ra cửa để nghe ông đọc lệnh cưỡng chế. Đọc xong lệnh, anh Trần Đình Toàn (an ninh xã) vác xà beng thẳng tay đập tường nhà, anh Kim Văn Quý trèo lên cậy tung mái nhà chị. Thấy vậy, chị chạy ra đề nghị cho xem giấy tờ, nếu sai thì gia đình xin tự tháo dỡ nhưng lực lượng chức năng làm ngơ, vẫn tiếp tục đập phá khu công trình phụ nhà chị. Chị xin để qua Tết (thời điểm đó sát Tết Nguyên Đán) nhưng không được.
 
“Quan xã” vô cớ đập phá nhà dân - 1
Nhà chị Thắng bị đập phá tan hoang

Người dân trong thôn kéo đến xem chật kín cả đường làng. Mấy mẹ con chị xót của xông vào ngăn cản thì bị hàng chục người ghì chặt, kéo ra ngoài. Mấy anh an ninh xã ôm chặt bố chị. Các đồng chí trong Hội phụ nữ xã thì “khống chế” mấy mẹ con. Mẹ chị bị xô ngã, người bê bết bùn. Chị Thắng bị ba người nhấc bổng quẳng ra ngoài đường cái. Ngồi nhìn nhà mình cứ dần dần sập xuống, chị chỉ biết kêu trời. Bao người dân đứng đó cũng không ai dám can ngăn các “quan” đang làm nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Bá Sắc, thanh tra nhân dân thôn 5 cũng có mặt trong ngày đập phá cho biết: “Hành động của các cán bộ UBND không khác gì trong bộ phim “Ma làng” từng chiếu trên truyền hình. Sau khi phá nhà bà An xong, không thấy UBND xã lập biên bản hay đưa bất cứ một thứ giấy tờ gì cho gia đình bà An ký. Đập phá chán chê khu nhà bà An, đám người này bỏ đi, bỏ mặc lại sau lưng tiếng khóc xót xa của người mất nhà”.

“Ăn vụng” nên phải làm liều?

Chị Thắng cho biết, mảnh đất ở đội 5 này được bố chị mua từ năm 1992 với diện tích 288 mét vuông. Từ khi sinh sống không có tranh chấp gì, vẫn nộp thuế đầy đủ. Đến năm 2003, bố chị chia cho 3 chị em mỗi người một mảnh để làm nhà, chị được thừa hưởng số diện tích mà xã đã đập phá. Từ khi bắt đầu làm nhà và công trình phụ, mẹ con chị liên tiếp bị xã gọi lên để giải quyết vấn đề… đất thừa.

Ngày 14/5/2005, Chủ tịch UBND xã Hát Môn Nguyễn Quốc Thắng đã ký quyết định số 25-QĐ/UB đình chỉ việc thi công của nhà chị, yêu cầu bàn trả mặt bằng cho nhà ông Trần Đăng Hậu ở đằng sau. Không hiểu sao, cũng diện tích mà xã cho là nhà chị lấn chiếm của nhà ông Hậu ấy, tiếp sau đó mấy lần xã lại gọi mẹ con chị lên để giải quyết việc gia đình chị lấn chiếm đất công!
 
“Quan xã” vô cớ đập phá nhà dân - 2
Giấy tờ giao đất ghi rõ ràng nhưng xã lại bảo là đất "thừa"

Dư luận địa phương và gia đình chị Thắng nghi ngờ các “quan xã” đã “ăn vụng” nên mới kiên quyết đập phá nhà chị như vậy. Nhiều người dân tỏ ý ngoài nghi, có phải các “quan” đập phá nhà chị Thắng để nhà ông Hậu thò hết ra mặt đường? (Đất mặt tiền nhà ông Trần Đăng Hậu chỉ có chừng 2m, nếu “xẻo” được một góc đất nhà bà An đi, khu đất nhà ông Hậu sẽ “thò mặt” ra đường ít nhất từ 8 đến 10m). Thực hư chưa rõ, chỉ biết ngay sau khi nhà chị Thắng bị đập phá, gia đình ông Hậu lập tức đào hố chôn cột bê tông, giăng dây thép gai làm hàng rào.

Điều đáng nói ở đây là cách hành xử như xã hội đen của các “quan xã”. Vì theo điểm a khoản 3 điều 12, điều 29 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, nếu gia đình bà An có lấn chiếm đất công thì quyền phá dỡ công trình thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện chứ không phải cấp xã. Việc UBND xã Hát Môn làm là ngang nhiên vượt cấp. Đã vậy, sau khi đập phá xong, UBND xã không lập biên bản, không có chữ ký, không có các cơ quan chức năng giám sát. Đây là một hành động trái luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc trên, ông Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ nói ngắn gọn là cấp trên đã xả lý xong (?). Trả lời câu hỏi UBND xã phá nhà dân có quyết định cưỡng chế không, ông Thắng khẳng định là có. Nhưng khi PV đề nghị cho xem thì ông ngần ngừ một lát rồi bảo đã trình lên cấp trên hết rồi, không còn giữ lại nữa.

Những hành động bất chấp pháp luật của UBND xã Hát Môn khiến không chỉ gia đình bà An mà cả làng cả xã bất bình. Sau khi có đơn kiện lên cơ quan CSĐT huyện Phúc Thọ, phòng Tài nguyên môi trường huyện đã về đo đạc và tuyên bố đất nhà bà An thiếu 11 mét vuông (kết quả đo đạc ngày 10/5/2008). Tuy nhiên UBND xã Hát Môn không thừa nhận sai và không ký vào biên bản đo đạc. Sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết và đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.
 
Tiến Nguyên - Vi Lay