1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rơi máy bay quân sự ở Bình Chánh:

“Quân ơi, mẹ không được nghe con nói nữa rồi…”

(Dân trí) - “Lần mô gọi điện về, hắn cũng nói “Con chào mẹ ạ. Con, Quân của mẹ đây… Giờ thì mẹ không còn được nghe con nói nữa rồi Quân ơi”, bà Lê Thị Huệ - mẹ thiếu tá Lê Hồng Quân thổn thức.



Thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An) chiều nay không còn đông vui như mọi ngày. Từng con sóng, từng làn gió biển cũng mang đầy tâm trạng, xót thương một người con của biển đã ngã xuống trên bầu trời. Từ hai hôm nay, ngôi nhà bà Lê Thị Huệ, ông Lê Văn Tiến – bố mẹ thiếu tá Lê Hồng Quân (Trung đoàn 917, Sư 370, Quân chủng Phòng không không quân) không ngớt người vào ra thăm hỏi, chia buồn với gia đình trước sự hi sinh của thiếu tá Quân.

Căn nhà càng trở nên buồn bã hơn khi chỉ có bà Huệ và cô con dâu ở nhà. Ông Tiến và người anh cả của thiếu tá Quân đang vào TP Hồ Chí Minh để nhận dạng thi thể. Công tác chuẩn bị cho tang lễ của thiếu tá Lê Hồng Quân nhờ cậy cả vào những người họ hàng và làng xóm.

Bà Lê Thị Huệ - thiếu tá Lê Hồng Quân đau đớn trước tin  con trai hi sinh.

Bà Lê Thị Huệ - thiếu tá Lê Hồng Quân đau đớn trước tin  con trai hi sinh.

Bà Huệ rũ rượi bên những người hàng xóm đến thăm. Hai hôm nay, bà không còn nước mắt để khóc đứa con quanh năm biền biệt của mình nữa. Nỗi đau quá lớn đã khiến bà như hóa đá, đôi mắt đờ đẫn nhìn tấm ảnh của con trai.

Như tin đã đưa, sáng ngày 28/1, chiếc trực thăng quân sự của Trung đoàn 971 đã bị rơi khi đang huấn luyện trên không phận huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Vụ tai nạn máy máy đã khiến thượng tá Trần Văn Đức, thượng tá Đỗ Văn Chính, thiếu tá Lê Hồng Quân và chiến sĩ Nguyễn Việt Cường hi sinh.

“Trưa ngày 28/1, khi xem chương trình thời sự, ông nhà tôi nghe tin về vụ tai nạn máy bay của Trung đoàn 917. Linh tính có chuyện chẳng lành, hai vợ chồng tôi gọi điện liên tục vào số điện thoại của Quân nhưng không ai trả lời. Gọi điện cho 3 anh, chị em của Quân ở trong đó, lúc đầu thì chúng nó dấu, sau mãi mới chịu nói là máy bay của Quân gặp sự cố nhưng còn động viên, bảo bố mẹ đừng lo, anh Quân không sao. Vợ chồng tôi gạn hỏi mãi chúng mới dám nói. Đau đớn quá con ơi…”, người mẹ khóc nấc lên.

Nỗi đau quá lớn trước hi sinh của người lính trong thời bình.

Nỗi đau quá lớn trước hi sinh của người lính trong thời bình.

Thiếu tá Lê Hồng Quân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông ngoại anh là cán bộ tiền khởi nghĩa, bị địch bắt tù đày. Ông bà nội cũng trọn đời theo Đảng. Bố mẹ anh công tác trong ngành giao thông, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. 2 người cậu của thiếu tá Quân là liệt sỹ. Người anh cả của thiếu tá Quân đã để lại một phần cơ thể trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Gạt nước mắt, bà Huệ kể, trong số 5 anh chị em thì Quân là đứa con ngoan và có thành tích học tập nổi bật nhất. Bởi thành tích học tập xuất sắc và thể lực tốt, Lê Hồng Quân được tuyển vào Học viện Phòng không – Không quân. Tốt nghiệp đại học, Quân vào Nha Trang công tác. 2 năm sau được đi huấn luyện phi công chính.

Năm 1997, anh Quân lập gia đình với cô giáo Nguyễn Thị Hiền (SN 1980, quê gốc Thanh Chương, Nghệ An). Khi đó, anh Quân đã 35 tuổi. Hiện, hai vợ chồng anh có 2 cô con gái, cháu đầu gần 7 tuổi, cháu thứ 2 mới tròn năm.

Thiếu tá Lê Hồng Quân và con gái.

Thiếu tá Lê Hồng Quân và con gái.

“Quân là đứa sống tình cảm lắm. Làm người lính, có bao giờ nó được ăn Tết với bố mẹ đâu. Tết năm nào nó cũng gọi điện về, bảo “bố mẹ thông cảm cho con, chúng con phải canh trời cho người dân ăn Tết”. Hồi ra Tết năm ngoái, đi công tác Hà Nội, Quân tranh thủ ghé qua nhà được 3 hôm rồi đi chứ chưa có cái Tết nào nó về được với bố mẹ.

Tối 27/1 vừa rồi nó gọi điện về. Lớn rồi, làm bố rồi mà gọi điện về bao giờ cùng lễ phép “Con chào mẹ ạ. Con, Quân của mẹ đây”. Quân bảo Tết này con cũng không về, 26 tháng Chạp giỗ ông ngoại con cũng không về được. Bố mẹ đừng buồn. Ai ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi được nghe điện thoại của con. Quân ơi, từ nay mẹ không còn được nghe con nói nữa rồi…”, bà Huệ ôm lấy tấm ảnh của con khóc lặng đi.

Trong tâm trí của bà Huệ, thiếu tá Quân không chỉ là đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo mà đối với hàng xóm, anh cũng luôn vẹn nghĩa, trọn tình. Hiếm hoi lắm người lính ấy mới thu xếp được thời gian và công việc để về thăm nhà nhưng chưa một lần anh quên thăm hỏi những người hàng xóm của gia đình. Công việc bộn bề, nhưng từ đơn vị trở về, treo tấm tấm áo lính lên giá, anh lại là người đàn ông bình dị của gia đình, giúp vợ tắm rửa, chăm sóc hai cô con gái.

“Quân thương con lắm. Hễ đi công tác thì thôi chứ về nhà chỉ quanh quẩn với con thôi. Tự tay Quân tắm rửa, thay quần áo cho con. Con bé Hồng Phương cam bố lắm, lúc nào cũng đợi ba Quân về tắm cho mới chịu”, đôi mắt người mẹ như có ánh sáng lóe lên khi nói về hạnh phúc bình dị của con trai mình. Nhưng thứ ánh sáng ấy nhanh chóng bị nỗi đau phủ lên, đôi mắt bà như mờ đi, đờ đẫn nhìn ra trước cổng, nơi mọi người đang chuẩn bị cho tang lễ của anh.

Hàng xóm đến thăm và chia sẻ nỗi đau với bà Lê Thị Huệ.

Hàng xóm đến thăm và chia sẻ nỗi đau với bà Lê Thị Huệ.

“Đau lắm cháu ơi, giữa thời bình mà trời không thương chúng nó. Là người lính, nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành. Chỉ thương 2 cháu tôi, chúng còn nhỏ quá…”, bà dường như không còn nước mắt để khóc cho nỗi đau này nữa.

Theo nguyện vọng của gia đình, thiếu tá Lê Hồng Quân sẽ được an táng tại quê nhà. Dự kiến, ngày 31/1 sẽ diễn ra lễ truy điệu và an táng thiếu tá Lê Hồng Quân.

Ngoài đường, người dân đã bắt đầu sắm Tết. Trong các khu vườn, những cành đào đã bắt đầu khoe bông nhưng ở thị xã biển này, Tết đã không về với gia đình người lính không quân Lê Hồng Quân.

Hoàng Lam