Quảng Bình:
Quán nhậu vắng ô tô, người uống rượu bia sợ cầm lái
(Dân trí) - Lực lượng CSGT mạnh tay xử lý vi phạm về nồng độ cồn, không có vùng cấm hay ngoại lệ, đã tạo những chuyển biến tích cực, hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe" của tài xế.
"Trước đây khi gặp bạn bè, uống vài ba ly, còn tỉnh táo tôi vẫn chủ quan, vô tư cầm lái. Giờ nếu có bia rượu là tôi đi taxi, một phần sợ bị phạt, một phần nhận thức được nguy hiểm khi cầm lái lúc trong người có hơi men", anh Trần B.C. (SN 1990, trú thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ.
Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Phòng CSGT Công an Quảng Bình đã tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra chéo địa bàn, xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm về nồng độ cồn.
Quá trình xử lý bám sát phương châm thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khi lực lượng CSGT tại Quảng Bình cũng như các tổ công tác của Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, rất nhiều nhà hàng, quán nhậu dù khách vẫn khá đông nhưng vắng hẳn các phương tiện ô tô, xe máy đậu phía trước.
"Giờ không ai dám lái xe khi có bia rượu, bị phạt là mất tận mấy tháng lương, chưa kể bị giữ bằng lái, cơ quan kỷ luật. Tôi thấy không chỉ Quảng Bình mà khắp cả nước, việc xử lý nồng độ cồn rất nghiêm, biển xanh, biển đỏ, lãnh đạo vi phạm đều bị phạt. Điều này góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, chấn chỉnh thói quen xấu của nhiều tài xế", anh Nguyễn Văn Dũng, trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, đồng tình.
Cùng với việc xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình còn phối hợp với các nhà hàng, khách sạn và điểm ăn uống, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân "đã uống rượu bia là không lái xe".
Kêu gọi các quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn nhắc nhở khách khi đã sử dụng rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện; bố trí phương tiện công cộng chở khách về nhà khi đã có nồng độ cồn; gửi thông báo các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đến cơ quan, đơn vị, nhất là khi cán bộ, đảng viên, nhân viên vi phạm.
Mới đây thầy giáo L.V.B., hiệu trưởng một trường học tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung khi điều khiển ô tô, đã bị đề nghị mức phạt 30-40 triệu đồng. Thầy giáo này cũng đã bị cơ quan cấp trên kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, cho hay việc huy động lực lượng chéo, phân công chéo lực lượng CSGT nhằm tránh trường hợp quen biết, nể nang không xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là về nồng độ cồn và trọng tải.
Cũng theo số liệu từ Phòng CSGT tỉnh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã phát hiện và xử phạt 1.124 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trung bình 200 trường hợp/tháng. Tháng 8 và 9, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn đã có dấu hiệu giảm xuống khi mỗi tháng có khoảng 100 tài xế vi phạm.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT tại Quảng Bình tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý không chỉ về nồng độ cồn mà còn các vi phạm về giao thông khác, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn.