1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Quản lý không khéo, đất Hà Nội vài năm nữa là hết!”

(Dân trí) - “Quỹ đất Hà Nội mở rộng rất nhiều, nhưng nếu quản lý không khéo, sẽ rơi vào tay các “đại gia” và chỉ vài năm nữa là hết”, Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mại cảnh báo. Ông đề nghị, phải có một nghị định riêng về quản lý đất Hà Nội.

Ý kiến trên của ông Nguyễn Mại được nêu lên trong buổi hội thảo về dự thảo Luật Thủ đô tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 6/4.

Ông Nguyễn Mại thẳng thắn cho rằng, ông chưa thỏa mãn với dự thảo Luật Thủ đô. Theo ông, không thể nói áp lực thời gian để làm vội Luật, bởi thực hiện như vậy có thể lặp lại sự không hiệu quả của Pháp lệnh Thủ đô - ra đời từ 2001, nhưng đến nay nhiều người chưa biết tới.

Cũng theo ông Mại, dự thảo luật chưa thể hiện rõ mô hình phát triển thủ đô, chưa vẽ ra mục tiêu phát triển kinh tế, khoa học, văn hóa… Về quyền cho Thủ đô, luật cũng chưa mở cho Hà Nội các cơ chế để thu hút các nguồn lực xây dựng, trong khi theo tính toán trong vòng 20 năm tới, mỗi năm Hà Nội cần tới 6 -7 tỷ USD vốn đầu tư.

Đặc biệt, theo ông Mại, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nên có 2 vấn đề đang đặt ra: dân cư đô thị tăng lên rất nhanh, cơ cấu dân cư biến động, di cư cơ học từ nông thôn ra thành thị diễn ra hàng ngày; đất đai được chuyển đổi mục tiêu từ đất canh tác thành đất phi nông nghiệp, xảy ra tình trạng khan hiếm đất, giá đất tăng lên rất nhanh cùng với nạn đầu cơ đất đai.

Tuy nhiên, các vấn đề của quá trình đô thị hoá trên chỉ được đề cập sơ sài trong dự thảo Luật.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, phải có một nghị định, một quy chế quản lý đất đai của Hà Nội trong tương lai. “Quỹ đất Hà Nội mở rộng rất nhiều, nhưng nếu quản lý không khéo, sẽ rơi vào tay các “đại gia” và chỉ vài năm nữa là hết”, ông Mại cảnh báo.
 
“Quản lý không khéo, đất Hà Nội vài năm nữa là hết!” - 1
 Dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn tại hội thảo 

Nguyên Kiến trúc sư trưởng, Đào Ngọc Nghiêm góp ý, Dự thảo luật còn sử dụng nhiều khái niệm mơ hồ, lạc hậu và dẫn chứng là “nội đô”, “ngoại đô”, “khu phố cổ tiêu biểu”… Theo ông Nghiêm, nếu dùng “nội đô” theo nghĩa là các quận nội thành, ngoại đô là các vùng còn lại thì tới đây các đô thị vệ tinh như Sơn Tây chẳng nhẽ bị xếp vào “ngoại đô”!

“Các khái niệm chuyên môn phải được các nhà chuyên môn chấp nhận, không nên dùng các khái niệm không thể định nghĩa được”, ông Nghiêm góp ý.

Cũng theo ông Nghiêm, dự thảo luật vẫn coi trọng người ở thành phố đi xe ô tô hơn người dân ở các khu vực bên ngoài. Cụ thể, vấn đề vành đai xanh cùng các vấn đề của khu vực nông thôn với số lượng dân rất lớn còn chưa được đề cập đầy đủ…  

Chuyển sang vấn đề quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, ông Nghiêm cho rằng, quy định quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đô thị ở khu vực trung tâm do Thủ tướng phê duyệt là không phù hợp. Thực hiện như vậy Thủ tướng sẽ ký không xuể nên cần quy định theo hướng, các khu vực đặc thù mới thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền chấp thuận, quyết định đầu tư, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trần Ngọc Hùng vẫn bày tỏ sự “băn khoăn” với vấn đề phân cấp. Ông Hùng cho biết, ông rất lo ngại về việc đã có sự hình thành các khu vành đai riêng, “tô giới” riêng, chẳng hạn một số khu đô thị do thành phố cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Về vấn đề khoa học, giáo dục, GS. TS Trần Ngọc Hiên cho rằng, dự thảo luật cần đặt vấn đề, các trung tâm khoa học, các đại học danh tiếng phải nằm ở Hà Nội. “Yếu tố văn minh, hiện đại phải có ở Thủ đô và đến Thủ đô là thấy được điều đó”, ông Hiên nói. 

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm