1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Quan họ mobile”

Hát quan họ qua điện thoại ra đời từ năm 2006. Chỉ cần gọi vào số máy 0953.296.338 vào 20h-22h các ngày trong tuần và đề nghị một bài hát quan họ theo làn điệu cổ bất kỳ, bạn sẽ được chính các liền anh, liền chị Kinh Bắc hát trực tiếp qua “dế” cho nghe.

Đội nắng đi chia niềm vui

 

Chúng tôi tìm về làng Hòa Đình, thành phố Bắc Ninh giữa lúc cơn nắng chói chang của những ngày cuối hạ đang tỏa sức nóng cực độ. Sau 2 lần hỏi thăm, chúng tôi tìm được đến nhà ông Trần Văn Quyến - Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ làng Hòa Đình, người khai sinh ra dịch vụ hát quan họ theo làn điệu cổ qua điện thoại đầu tiên và duy nhất ở Bắc Ninh hiện nay.

 

Đã gần 12 giờ trưa, ông Quyến vẫn đang say sưa tiếp chuyện điện thoại của khách gọi đến xin được nghe hát. Ông Quyến cho biết, hát quan họ theo làn điệu cổ qua điện thoại chẳng phải là một dịch vụ thương mại hay dịch vụ văn hóa như một số lời đồn đại gần đây, bởi hát nhưng chưa thu tiền của ai bao giờ. Những người hát đều là những liền anh, liền chị nghiệp dư, thấy nhiều người yêu những làn điệu truyền thống của quê hương mình thì hát tặng, xem như tấm lòng người Kinh Bắc đáp trả ân tình đối với ai yêu quan họ. Vả lại, hát quan họ theo lối cổ là hát chay, không cần nhạc đệm nên mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

 

“Quan họ mobile” - 1

Chị hai Hồng và chị hai Lâm đang hát quan họ theo làn điệu cổ cho khách nghe qua điện thoại.

 

Ông kể, trong một lần dẫn anh chị em trong câu lạc bộ quan họ của làng đi biểu diễn ở trên tỉnh, ông gặp một người quen, làm công tác văn hóa ở một cơ quan nhà nước. Sau một hồi nói chuyện người này xin số điện thoại di động của ông rồi đặt vấn đề diễn xướng quan họ qua điện thoại. Người này lý giải rằng đây là một cách để đưa quan họ về gần hơn với mọi người. Nhiều người dù rất yêu quan họ nhưng do ở quá xa, không có điều kiện về Kinh Bắc để nghe các liền anh, liền chị hát trực tiếp, do đó họ rất muốn nghe hát qua điện thoại. Nghe ra cũng có lý nên ông Quyến đồng ý đưa số điện thoại lên website cá nhân của người đó. Và không phải chờ đợi lâu, đúng một tuần sau ông nhận được cú điện thoại đầu tiên của một người khách ở Bến Tre gọi ra xin được nghe liền anh, liền chị đất quan họ hát.

 

“Đang ngủ trưa thì chuông điện thoại của tôi chợt reo, đầu dây bên kia xưng là một người ở Bến Tre, khi đọc thấy những dòng thông báo trên website nọ liền gọi điện đến để được nghe trực tiếp anh hai, chị hai hát. Tuy nhiên, vì lúc đó chưa chuẩn bị trước nên tôi đã hẹn người khách đó đến 20h hôm đó thì gọi lại. Cả buổi trưa hôm đó tôi mừng quá không ngủ nổi. Tôi liền dậy, đội nắng đi đến từng nhà hội viên trong câu lạc bộ để chia sẻ niềm vui”.

 

87 tuổi say sưa  hát quan họ qua “dế”

 

Cũng từ đó, mỗi ngày ông phải tiếp không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, gọi về từ khắp nơi, trong nước có, ngoài nước có chỉ để xin được nghe hát quan họ. Tuy nhiên, do ban ngày các liền anh, liền chị ở tản mát, mỗi người lo một công việc riêng, nên khách gọi điện đến nghe hát thường không thể phục vụ ngay được, mà phải hẹn đến tầm 20h trở đi của các ngày trong tuần, đó là thời điểm câu lạc bộ tập trung sinh hoạt và tập luyện. Các anh hai, chị hai sẵn sàng phục vụ bất cứ bài hát nào mà khách phương xa muốn nghe.

 

Chị hai Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi) cho hay: “Nhiều đêm trời đã về khuya nhưng vẫn có rất nhiều cuộc điện thoại gọi về xin được nghe hát. Mặc dù cả ngày làm việc mệt mỏi chỉ muốn về nhà để nghỉ sớm nhưng thấy họ yêu quan họ quá nên cũng không nỡ lòng nào từ chối. Vậy là ngồi hát rồi tâm sự với khách cho đến gần sáng...”.

 

Khi hỏi các liền anh, liền chị là hát mà không được lợi lộc gì có cảm thấy thiệt thòi cho mình? Chị hai Lâm (54 tuổi) khẳng khái trả lời: “Chúng tôi không màng tiền bạc, của nả, chỉ mong càng ngày càng có nhiều người yêu quan họ hơn mà thôi. Xuất phát từ điều đó mà chúng tôi sẵn sàng phục vụ khách bất kỳ lúc nào khách gọi đến”.

 

Theo tìm hiểu, không chỉ có ở Hòa Đình, hát quan họ qua điện thoại để phục vụ khách phương xa mới đây còn lan truyền sang cả một số làng, xã lân cận như: Hòa Long, Phong Khê... Nhiều người dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn sẵn sàng hát quan họ cho người phương xa nghe, dù không hề biết đó là ai.

 

Chúng tôi tìm về nhà cụ Ngô Thị Nhi (87 tuổi) ở làng Diễm, thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Ở cái tuổi gần đất xa trời mà cụ vẫn có thể say sưa hát, tai, mắt và thần trí hãy còn tinh anh, mẫn tiệp.

 

“Quan họ mobile” - 2
Cụ Ngô Thị Nhi vẫn đều đặn hát quan họ cho những người khách ở phương xa nghe, mỗi khi họ gọi về qua điện thoại của cháu dâu.

 

Cụ kể, từ năm 1957 cụ đã nổi tiếng nhất tỉnh Bắc Ninh về giọng hát của mình. Cứ mỗi lần đi biểu diễn ở đâu là người kéo đến xem nườm nượp. Nhưng do tuổi cao nên thời gian qua cụ không đi hát nữa mà ở nhà truyền dạy cho lớp trẻ trong làng. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, không biết ai cho số điện thoại của cháu trai và cháu dâu nhà cụ mà có rất nhiều người gọi về xin được nghe cụ hát. “Tôi không có biết cái di động là gì nhưng cứ mỗi lần có người gọi về nhờ là tôi lại hát. Giờ sức khỏe đã yếu, những đoạn luyến láy, lên giọng không tròn trịa như xưa nhưng điệu thức cổ thì tôi vẫn duy trì được”- cụ Nhi chia sẻ.

 

Chị Nguyễn Thị Liên, cháu dâu cụ Nhi cho biết thêm: “Nhiều người nghe bà em hát xong cứ tấm tắc khen hay và nằng nặc đòi cho số tài khoản để gửi tiền về biếu nhưng bọn em chẳng có thẻ nên chịu”.

 

Trước khi rời Bắc Ninh, có một điều mà chúng tôi còn trăn trở, đó là người dân ở đây hãy còn nghèo. Điện thoại di động đối với họ vẫn còn là một thứ xa xỉ, do đó để duy trì và nhân rộng được việc làm này không phải là dễ. Nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng, của các ban ngành liên quan chắc chắn người dân xứ Kinh Bắc sẽ mang quan họ về gần hơn với “quan họ” rất nhiều.

 

Theo Hà Tùng Long

 Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm