1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Quân đội huy động gần 270.000 người, 10 máy bay ứng phó áp thấp nhiệt đới

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, cho biết quân đội đã huy động 268.806 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 4.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới.

Chiều 18/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định về ứng phó với áp thấp nhiệt đới (sắp mạnh lên thành bão số 4).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương không được chủ quan trong việc ứng phó áp thấp nhiệt đới.

Điều khiến Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lo lắng là việc áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão số 4 sẽ di chuyển chậm nên có nhiều diễn biến khó lường.

Trong đó, vấn đề lo ngại nhất là mưa lớn có thể xảy ra ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần của Quảng Ngãi. 

"Chúng tôi quan ngại có một đợt mưa lớn sắp tới và không loại trừ giống như năm 2020. Đây là vấn đề chúng tôi rất lo lắng", ông Hiệp bày tỏ.

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới - sắp tới là bão số 4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão tiếp tục kêu gọi tất cả tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; rà soát tình trạng ngập lụt và các phương án sơ tán dân.

Ông Hiệp nhấn mạnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là những địa phương dễ xảy ra ngập lụt đô thị nên người dân cần đưa đồ đạc có giá trị đến những nơi cao để đảm bảo an toàn. Chính quyền sớm có phương án sơ tán người dân ở nơi ngập lụt đến nơi an toàn.

Quân đội huy động gần 270.000 người, 10 máy bay ứng phó áp thấp nhiệt đới - 1

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát kỹ mực nước tại các hồ chứa, hồ thủy điện, sớm có các kế hoạch ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.

Ông Hiệp đánh giá, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi nếu xảy ra mưa lớn rất dễ bị chia cắt nên địa phương cần thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ. 

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ -  Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng đã ban hành 2 công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.

Cụ thể, các đơn vị đã huy động 268.806 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ sẵn sàng tham gia ứng phó.

Ngoài ra, còn có hơn 4.000 phương tiện (trong đó có 10 máy bay trực thăng) sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế khi có yêu cầu.

Quân đội huy động gần 270.000 người, 10 máy bay ứng phó áp thấp nhiệt đới - 2

Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Công Binh 544, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ cưa dọn cây đổ sau bão Yagi (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Đại tá Hải Châu cũng đề nghị các địa phương làm tốt công tác rà soát, báo động khu vực sạt lở để sớm có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn. 

Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần làm tốt các phương án "4 tại chỗ", đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc khi bị chia cắt.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 11h30 ngày 18/9, tất cả các tàu thuyền của địa phương đã vào nơi neo đậu an toàn. Tỉnh cũng đã lên phương án sơ tán dân để ứng phó với bão số 4 sắp tới và nguy cơ sạt lở đất. 

Ngày 15/9, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có cảnh báo về sạt lở đất đến các xã, huyện có nguy cơ cao.

Đối với các địa phương có thể xảy ra mưa lớn, tỉnh sẽ lên phương án sơ tán dân đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất.

"Hiện tỉnh đã lên các phương án để ứng phó, chống bão một cách tốt nhất", lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.

Thông tin từ lãnh đạo TP Đà Nẵng, từ 19h ngày 17/9, đến 11h ngày 18/9, tại TP Đà Nẵng đã có mưa to, rất to với lượng mưa từ 100 đến 150mm, có nơi lên đến 200mm. 

TP Đà Nẵng đã cho học sinh nghỉ học từ chiều 18/9, để ứng phó với bão số 4 sắp tới. Đồng thời, Đà Nẵng cũng đã rà soát các tuyến đê biển trọng yếu để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 136km về phía đông, cách Đà Nẵng khoảng 530km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Đến chiều 19/9, bão số 4 trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.

Cơ quan khí tượng nhận định, trong sáng nay, áp thấp nhiệt đới đang có xu hướng di chuyển chậm hơn so với ngày 17/9.