1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quản chặt sẽ không có tàu cũ, bê tông cốt… tre

(Dân trí) - “Chỉ cần thực hiện trách nhiệm quản lý một cách nghiêm túc, sẽ không có hàng chục con tàu cũ được mua về, không có bê tông cốt… tre, không có những con đường vừa làm xong đã hỏng…” – đại biểu Nguyễn Văn Hiến đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến: Chuyển vị trí công tác cũng mở ra cơ hội tham nhũng mới.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến: "Chuyển vị trí công tác cũng mở ra cơ hội tham nhũng mới".
 
Cuối buổi làm việc chiều ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu quan điểm khác hẳn các ý kiến đưa ra trong cả ngày thảo luận về việc sửa luật Phòng chống tham nhũng. Ông Hiến cho rằng không cần sửa đổi bất cứ luật nào, chỉ cần thực hiện trách nhiệm quản lý một cách nghiêm túc.

“Sẽ không có hàng chục con tàu cũ được mua về. Nếu giám sát tốt, sẽ không có bê tông cốt tre, sẽ không có những con đường, công trình vừa làm xong đã hỏng. Không cần sửa đổi bất cứ luật nào nếu người đứng đầu nghiêm túc thì cấp dưới không dám nhũng nhiễu…” – ông Hiến phân tích.

Theo đó, luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, đại biểu đánh giá đã tương đối tốt. Vấn đề là mọi quy định của luật đều thực hiện không nghiêm túc, rất hình thức và thiếu giám sát, kiểm tra. Đại biểu khẳng định bản thân khó yên tâm khi bấm nút quyết định việc thông qua luật sửa đổi trong kỳ họp này vì ý kiến đến giờ vẫn quá phân tán, khác biệt, chưa rõ ràng. Nhiều quy định trong dự thảo là luật hóa từ các nghị định của Chính phủ mà từ trước đến nay thực hiện không nghiêm.

Vấn đề kiểm soát tài sản, đổi mới phương thức thanh toán không mang lại hiệu quả, không phòng ngừa được tham nhũng vì thói quen dùng tiền mặt trong tất cả mọi thanh toán. Việc chuyển đổi vị trí công tác còn nhiều vướng mắc, mới chỉ chuyển đổi những người không giữ chức vụ, ít có khả năng tham nhũng hoặc chỉ tham nhũng vặt, nhưng dự thảo lần này vẫn giữ nguyên. Khi tham nhũng là cá biệt, là ít, quy mô nhỏ thì có thể ngăn ngừa bằng chuyển đổi vị trí công tác, nhưng khi tham nhũng là phổ biến, là rộng khắp, quy mô lớn thì chuyển đổi vị trí công tác lại mở ra cơ hội tham nhũng mới.

Vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu ông Hiến cũng cho rằng chưa rõ. Xử lý tài sản tham nhũng chỉ áp dụng được khi tòa tuyên có tội tham nhũng tương ứng với tài sản chiếm đoạt, chưa có cơ chế tịch thu tài sản bất minh, nghi ngờ có tham nhũng.

Đến việc thay đổi “người đánh, cánh đánh”, thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, đại biểu cũng đánh giá chưa được nghiên cứu chu đáo. Ông Hiến chốt lại, tạm thời chỉ nên bỏ điều luật hiện hành về Ban chỉ đạo PCTN TƯ, để chuyển cơ quan này sang bên Đảng, do Tổng Bí thư trực tiếp điều hành, còn giữ nguyên luật để nghiên cứu sửa sau.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng tán thành việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Ông Hà đánh giá, việc này khẳng định trách nhiệm chính trị của Tổng Bí thư trước một việc hết sức quan trọng của quốc gia.

Tuy nhiên đại biểu cũng giữ quan điểm phải có một cơ quan trực tiếp chống tham nhũng, cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội, trước nhân dân.
Đại biểu Chu Sơn Hà: Chế định hồi tố để cán bộ tham nhũng không thể hạ cánh an toàn.
Đại biểu Chu Sơn Hà: "Chế định hồi tố để cán bộ tham nhũng không thể hạ cánh an toàn".

Ông Hà đề nghị “mô hình 2 trong 1” tương tự mô hình Giám đốc Sở Nội vụ đồng thời là Phó ban, Phó trưởng ban tổ chức của các cấp ủy. Áp dụng sang Ban Chỉ đạo PCTN, Tổng bí thư sẽ là trưởng ban, Phó trưởng ban Thường trực là Trưởng ban Nội chính TƯ và các phó ban do Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Viện phó VKSND tối cao, thứ trưởng Bộ Công an… phụ trách bộ phận phòng chống tham nhũng ở các cơ quan này đảm nhiệm. Như vậy sẽ không phát sinh theo một cơ quan hay phát sinh theo bộ máy.

Nhấn mạnh mục đích hướng tới khi xây dựng luật này, lấy phòng tham nhũng làm đầu, sau đó mới đến “chống”, ông Hà đề nghị thiết kế một chế định để chặn đứng tư tưởng "hy sinh đời bố, củng cố đời con".

Ngoài ra, đại biểu Hà nội đề xuất đưa chế định hồi tố vào luật để xử lý những trường hợp cán bộ chưa phát hiện hoặc đã phát hiện có hành vi tham nhũng nhưng vì lý do để bảo đảm ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia hoặc lý do đặc biệt khác mà chưa thể xử lý người đó. Vì hành vi tham nhũng diễn ra khi họ còn đang đương chức nên việc hồi tố sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để mọi đối tượng tham nhũng đều bị xử lý một cách nghiêm minh như kinh nghiệm nhiều nước đã áp dụng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đồng ý lập cơ quan PCTN trực thuộc Quốc hội với tên gọi UB quốc gia về phòng, chống tham nhũng – cơ quan PCTN tối cao trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất.

UB này có quy chế đặc biệt, trực thuộc Quốc hội nhưng không thuộc quyền chỉ đạo của UB Thường vụ Quốc hội dù vẫn chịu sự giám sát và chất vấn của Thường vụ. Quốc hội bầu các chức danh chủ chốt của UB này, bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch.

“Tổng bí thư như vậy, vừa là người phụ trách cao nhất công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, vừa có bộ máy tham mưu của Đảng là Ban nội chính TƯ, vừa có nhà nước để thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng. Việc Đảng trực tiếp lãnh đạo phòng, chống tham nhũng như vậy là chính danh và là hợp pháp” – ông Nghĩa trình bày.

Kết lại, sau một ngày thảo luận, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đưa ra trong dự thảo luật vẫn chưa “ngã ngũ”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết sẽ tổ chức lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu trước khi đưa ra biểu quyết thông qua dự luật.

P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng