1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quan “bày binh bố trận” lừa dân?

(Dân trí) - Hơn 40 năm nay, người dân vùng kinh tế mới xóm Bãi Kè, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp - Nghệ An) như bị bỏ rơi; sống cô lập với thế giới hiện đại: Không điện thắp sáng, thất học, mù chữ, thiếu đất sản xuất, tỉ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 50%, tỷ lệ hộ nhà tranh tre chiếm 70%...

“Làng chị Dậu”

 

Năm 1963, gia đình ông Vũ Văn Điểm cùng những người dân miền biển Diễn Vạn (Diễn Châu) vì thiếu đất sản xuất mà phải lên Bãi Kè để khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Từ một vùng đất heo hút, nhiều cọp beo, mảnh đất này đã hồi sinh nhờ bàn tay, mồ hôi và cả nước mắt của biết bao con người.

 

Năm 1990, lâm trường Đồng Hợp (đơn vị trực thuộc Công ty Sông Hiếu) được thành lập. Một số công nhân Lâm trường đã đến Bãi Kè làm việc. Tiếp đó, năm 1992, một số người dân xã Nghi Yên (Nghi Lộc) cũng di dân vào.

 

Đến nay, xóm Bãi Kè có gần 130 hộ với gần 540 nhân khẩu; chia thành hai đội sản xuất là đội nông lâm 1 (công nhân của Lâm trường Đồng Hợp) và đội 45  (những người dân Diễn Vạn và Nghi Yên).

 

Ông Hồ Văn Hiền - xóm trưởng xóm Bãi Kè - cho biết: Suốt mấy chục năm vất vả khai hoang, cày cuốc từng tấc đất, người dân vùng kinh tế mới xóm Bãi Kè cũng không đủ cái ăn cái mặc, thất học mù chữ, nghèo đói truyền từ đời này sang đời khác.

 

Ông Hiền dẫn chúng tôi đến thăm một làng nhỏ mà người dân gọi là “làng chị Dậu”. Làng có 35 hộ gia đình nhưng chỉ có 4 hộ có nhà lợp ngói, còn lại là nhà tranh tre dột nát, quanh năm thiếu ăn.

 

Xóm Bãi Kè chỉ cách quốc lộ 48 khoảng 3km, cách trụ sở UBND xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) 5km nhưng người dân như bị bỏ rơi, sống cô lập với thế giới hiện đại: Không điện thắp sáng, không điện thoại, đói ăn, đói mặc, đói thông tin; trẻ em thất học, trường học tạm bợ, đường đi lại hết sức khó khăn; xóm chưa có hội quán, giải quyết công việc, họp hành  đều ở nhà ông xóm trưởng.

 

Cụ Vũ Văn Điểm nghẹn ngào: “Tôi sống ở mảnh đất này đã 44 năm rồi nhưng không biết còn sống được để chờ ngày người dân xóm Bãi Kè có điện thắp sáng, có được QSDĐ ở, QSDĐ đất sản xuất nữa hay không?”.

 

Làm thuê trên đất của mình

 

Năm 1992, lâm trường Đồng Hợp xua dân xóm Bãi Kè và chiếm 34ha đất - vốn do dân khai hoang, phục hoá, cải tạo và trồng hoa màu trên 40 năm - để trồng rừng nguyên liệu. Dân mất đất sản xuất, người đi nơi khác sinh sống, người bám trụ lại, làm thuê, lên rừng khai hoang, đốt than mưu sinh qua ngày...

 

Người dân Bãi Kè gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đòi lại mảnh đất mình đã đổ mồ hôi, công sức mới có nhưng để đáp lại, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An ra quyết định: “Đây là diện tích thuộc QSDĐ của Lâm trường Nghĩa Đàn…”

 

Sau nhiều năm bỏ hoang, tháng 9 vừa qua, Lâm trường Nghĩa Đàn ra thông báo: Nếu người dân xóm Bãi Kè không hợp đồng với Lâm trường Nghĩa Đàn trồng rừng nguyên liệu thì Lâm trường Nghĩa Đàn sẽ hợp đồng với người dân xã Nghĩa Mai.

 

Không có cách nào khác, người dân xóm Bãi Kè miễn cưỡng chấp nhận trồng rừng trên đồng bằng, bất đắc dĩ trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất mà họ đã vất vả khai hoang, phục hoá suốt mấy chục năm…

 

Từ khi có dự án 327 trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, một số người dân đã không nghi ngại góp một phần diện tích đất cùng tham gia nhận khoán rừng. Đến kỳ thu hoạch, Lâm trường Đồng Hợp bỗng dưng "trở chứng" không thực hiện theo những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng gây nên những bức xúc của người dân. Như vậy, cả "hai phe" (Lâm Trường Nghĩa Đàn và Lâm Trường Đồng Hợp) đã ép dân Bãi Kè đi vào cùng cực.

 

Dự án chiếm đất của dân?

 

Năm 2003, Lâm trường Đồng Hợp được UBND tỉnh Nghệ An cấp quyền sử dụng đất. Có bìa đỏ trong tay, Lâm trường Đồng Hợp “phù phép” toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn trồng trong dự án 327 của dân nhận khoán thành rừng sản xuất và đơn phương khai thác mà không hề thông báo cho dân.

 

Không những thế, sau khi thu trắng phần sản phẩm của dân, Lâm trường Đồng Hợp còn thu luôn đất của người dân trước đây góp vào dự án.

 

Như vậy, thêm một lần nữa Lâm trường Đồng Hợp đã đẩy người dân xóm Bãi Kè đến bước đường cùng, không đất sản xuất, trắng tay khiến cho trăm dân phẫn nộ.

 

Ngày 24/5/2007, Giám đốc Sở NN & PTNT đã có quyết định về việc giải quyết khiếu nại của ông Hồ Văn Hiền và 119 hộ dân xóm Bãi Kè. Kết luận: “Yêu cầu Lâm trường Đồng Hợp làm thủ tục giao lại cho chính quyền địa phương để tiến hành thực hiện giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho nhân dân theo quy định hiện hành”.

 

Nhưng đến nay, quyết định vẫn chỉ là quyết định. Dân Bãi Kè vẫn đang kêu cứu.
 

Trung Anh - Đức Linh