1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phút cuối của 2 tử tù trẻ

Cả 2 tử tù này đều đang ở tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Nhưng cuộc sống đã vĩnh viễn đóng lại khi cả hai phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và bị kết án tử hình.

Thế nhưng, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, họ đều trở nên yếu mềm như những đứa trẻ. Và trong chơi vơi của tâm hồn, những đứa trẻ lạc lối ấy lại tìm về bên mẹ…

Phút cuối của 2 tử tù trẻ - 1
1
. Nhìn Phạm Thế Thuần (ảnh bên), 23 tuổi, trú tại xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), chẳng ai nghĩ anh ta là thủ phạm của một vụ giết người, cướp tài sản dã man, gây chấn động dư luận tỉnh Vĩnh Phúc. Đó là vụ giết bà Lăng Thị Thủ, vợ của ông Phùng Gia Thuận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc để cướp tài sản.

Do bị kỷ luật phải nghỉ việc ở Hạt Giao thông huyện Tam Dương, Thuần đã về Hà Nội làm thuê cho một quán bia và được ông chủ quán rất tin tưởng và quý mến. Nhưng với mức lương chỉ có thể gửi về cho mẹ được từ 400 đến 500 ngàn đồng/tháng, Thuần so đo sẽ chẳng biết đến bao giờ mới có cuộc sống giàu có.

Qua rất nhiều ngày suy nghĩ, anh ta đã tính đến chuyện phải làm một phi vụ cướp lớn, sau đó lấy vốn vào Nam làm ăn để đổi đời. Anh ta nghỉ việc ở quán bia, bỏ ra nhiều ngày để thăm dò các địa bàn, tìm nơi gây án. Cuối cùng, Thuần chọn gia đình ông Phùng Gia Thuận, vì thời gian làm ở Hạt Giao thông huyện Tam Dương, gã biết bà vợ ông Thuận là người dưới quê lên, thật thà và chỉ quanh quẩn ở nhà, còn các con của ông bà thì đều đã đi học, đi làm ở xa.

3 ngày, Thuần quanh quẩn xung quanh nhà ông Thuận để tìm hiểu địa thế, chọn giờ giấc thích hợp để ra tay. Anh ta còn đến thăm dò cả ở các ngân hàng trên địa bàn TP Vĩnh Yên vì tính rằng kiểu gì trong nhà ông Thuận cũng có từ 100 triệu trở lên, khi cướp xong sẽ mang gửi ngân hàng cho an toàn.

Ngày 11/1/2007, Thuần mua 1 gói bánh chocopie và cắt 2 tờ giấy thành nhiều mảnh khác nhau cho vào phong bì dán, giả làm phong bì tiền, rồi cho tất cả vào túi, xách đến nhà ông Thuận, giả làm người đến nhờ ông Thuận xin việc.

Anh ta đến buổi sáng, không gặp bà Thủ. Buổi chiều, lại đến và được bà Thủ mở cửa cho vào phòng khách. Tại đây, Thuần đã giết bà Thủ, nhưng không thể mở được két sắt, chỉ rạch con lợn nhựa lấy được 300 ngàn đồng. Thuần thay bộ quần áo dính máu của mình bằng một bộ quần áo trong tủ nhà ông Thuận, rồi bắt xe khách bỏ trốn…

Theo các điều tra viên, Thuần thuộc diện người khá lì lợm, sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Khi bị bắt, anh ta khai nhận ngay, không sợ sệt. Một thời gian ngắn, anh ta còn có ý định tự tử trong trại để tránh cái án của pháp luật. Thuần chỉ nói lời ân hận duy nhất vì đã cố tình giết chết một người không hề quen biết, thù oán gì với mình như bà Thủ và cũng một lần duy nhất rơi nước mắt khi nghe các điều tra viên nhắc về mẹ. Mẹ Thuần là người đàn bà chất phác, cả đời lam lũ với ruộng vườn để nuôi hai anh em gã ăn học. Bà vẫn hy vọng vào đứa con trai đầu vẫn rất thương mẹ là Thuần. Vậy mà…

Vào buổi sáng ngày thi hành án, khi tiếng lạch xạch của khoá cửa vang lên trong sự tĩnh mịch của bóng tối, đối tượng Phạm Thế Thuần chồm người dậy rất nhanh. Giống như những phạm nhân mang án tử hình khác, Thuần cũng thường lấy đêm làm ngày. Ngày thì ngủ, còn đêm hầu như thức trắng vì chúng biết rằng, nếu khi nào có tiếng mở cửa sắt vào buổi sáng sớm, có nghĩa đó là những thời khắc cuối cùng của kẻ tử tù.

Khi được cho ăn bữa cơm cuối cùng, Thuần không ăn. Trước khi viết lá thư cuối cùng cho mẹ, gã xin hút một điếu thuốc lá. Trong khói thuốc nhạt nhòa, chúng tôi thấy anh ta bắt đầu có vẻ không giữ được bình tĩnh như lúc đầu, đôi mắt nhìn xa vời vợi và nhoang nhoáng nước. Thuần cúi gằm viết những dòng chữ đầu tiên cho mẹ: "Mẹ kính yêu!...".

Thuần mong mẹ tha thứ cho những việc mình đã làm, đừng quá đau buồn khi nhận được tin dữ của đứa con trai bất hiếu như gã. Thuần dặn mẹ sang nhà chú, phục hồi lại đoạn lời của anh ta gửi mẹ trong băng ghi âm mà anh ta đã nói và ghi lại bằng đài cassette của nhà chú trước khi bỏ trốn vào Nam. "Mẹ hãy coi đó là lời trăng trối cuối cùng của con"…

2. Từng là một sinh viên hào hoa của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức ở thị xã Sông Công (Thái Nguyên), Nguyễn Anh Tuấn, trú tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà (Thái Bình) không nghĩ có ngày mình phải đối diện với án tử hình. Và tiếc hơn, Tuấn sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố là Bí thư chi bộ, mẹ là giáo viên, cả đời luôn dạy dỗ con cái phải sống lương thiện, có ích cho đời. Vậy mà, từ khi đi học xa gia đình, Tuấn đã xa cả những lời cha mẹ dạy. Cậu ta chẳng chú tâm vào học chữ, mà học đòi những thói tiêu tiền hoang phí, lối sống buông thả.

Linh cảm về sự trượt ngã của con trai nên gần ngày cậu ta gây án, bố mẹ Tuấn liên tục viết thư lên cho con, trong đó có những lời rất đau xót: "Con ơi! Con hãy để bố mẹ sống ngày nào thì đừng phải lo âu cho con ngày ấy…". Tuy nhiên, tình cảm của cha mẹ lúc ấy không thức tỉnh được thói ăn chơi, đua đòi trong Tuấn.

Túng tiền, cậu ta còn giả vờ quan hệ thân mật với một người đàn ông là anh Hoàng Đình Khương, cùng ở xã Hồng Minh. Biết anh Khương có tài sản là chiếc xe máy Deahan và dây chuyền vàng 3 chỉ, Tuấn đã từ trường học ở Thái Nguyên về, hẹn hò anh Khương ra nghĩa trang tâm sự, rồi bất ngờ đâm chết anh.

Hành động dã man là thế, nhưng khi bị Công an huyện Hưng Hà bắt giam, tâm trạng của Tuấn rất sốc, anh ta cứ che mặt trước ánh đèn flash của phóng viên chúng tôi. Vào trại tạm giam, tâm lý của Tuấn cũng diễn biến rất phức tạp. Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Tuấn không ngủ được, nằm đếm từng ngày với tâm trạng mong mỏi và hy vọng. Chính vì thế, khi Tòa tuyên y án tử hình, cậu ta bị suy sụp trầm trọng, luôn tuyệt vọng và nghĩ đến chuyện tự sát.

Hiểu tâm trạng ấy, sau một lần gia đình gửi quà cho Tuấn, Đại úy Đỗ Văn Kiển, cán bộ quản giáo của Trại tạm giam Thái Bình đã phải nhiều lần vào phòng giam trò chuyện với cậu ta. Anh ân cần giở cho Tuấn xem từng món quà, nào quần áo, khăn mặt, tất chân... vẫn còn nguyên nếp gấp, anh bảo Tuấn: "Bố mẹ quan tâm đến em vậy, em đừng làm thêm việc gì sai trái nữa".

Nghe lời khuyên của anh Kiển, Tuấn đã bình tĩnh trở lại, chấp hành tốt nội quy của trại. Trong thời gian chờ thi hành án tử hình, mấy lần mẹ Tuấn đã đến thăm nuôi con. Người đàn bà ấy già sọm trước tuổi. Đứa con trai bà có tội với xã hội, với pháp luật nhưng mãi nó vẫn là đứa con nhỏ bé, đáng thương của bà. Gặp nhau, mẹ khóc, con khóc, chẳng bao giờ nói được điều gì nhiều cả.

Lần nào gặp mẹ xong, Tuấn về phòng giam cũng trầm lặng hơn và lại trằn trọc không ngủ. Nhiều lần, cậu ta khóc với cán bộ quản giáo vì thấy ân hận với bố mẹ, gia đình. Sáng sớm ngày Tuấn phải ra pháp trường, trực tiếp anh Kiển vào đưa Tuấn ra. Nghe tiếng cửa sắt kèn kẹt mở lúc trời chưa tỏ, Tuấn hoảng hốt vùng dậy, anh ta biết đã đến giờ mình phải kết thúc cuộc sống.

Không phải lần đầu tiên đưa phạm nhân ra pháp trường, nhưng lần này, nhìn ánh mắt thành khẩn, giọng nói nghèn nghẹn của Tuấn, anh Kiển thấy lòng mình bồi hồi. Khi được viết lá thư cuối cùng, Tuấn cũng khá kiệm lời vì tâm trạng khó diễn tả. Dòng thư cuối cùng của cậu ta bật lên như một tiếng khóc "Bố mẹ ơi… xa và nhớ…".

Đối với mỗi người, hình ảnh mẹ luôn là một điều thiêng liêng, cao cả. Với những tử tù, đặc biệt là những tử tù trẻ, khi phạm tội vẫn nằm trong sự chăm sóc của bố mẹ như Phạm Thế Thuần, như Nguyễn Anh Tuấn, chúng càng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Có thể lúc gây tội ác, chúng đã bị phần con che lấp mất nhân tính. Nhưng lúc này đây, khi loạt súng chuẩn bị vang lên để kết thúc cuộc đời kẻ ác, cách ly chúng ra hẳn cuộc sống cộng đồng, trong tâm khảm chúng lại chơi vơi trở về bên những người mẹ. Giá chúng biết nghĩ và thương mẹ sớm hơn…

 
Theo T.Hòa
Công an nhân dân