1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phương án nào ứng phó dịch Covid-19 đang "nóng" trở lại TPHCM?

Quang Huy

(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM cho biết, một số trường hợp dương tính SARS-CoV-2 không khai báo ngay, trở về địa phương mới khai báo khiến thời gian tiếp xúc kéo dài, gia tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

Sau khoảng một tháng từng bước mở lại các hoạt động của đời sống xã hội, từ cuối tháng 10, dịch Covid-19 tại TPHCM đã có những dấu hiệu phức tạp đầu tiên. Số bệnh nhân Covid-19 cần nhập viện điều trị mỗi ngày đã vượt lên trên trường hợp được xuất viện, khoảng cách ngày càng được nới rộng trong khoảng đầu tháng 11.

Các chuyên gia dịch tễ đánh giá, việc số ca Covid-19 có xu hướng tăng là điều không thể tránh đối với TPHCM và các tỉnh, thành khác. Trong trường hợp mục tiêu "Zero Covid" là điều không thể, các địa phương cần có cách tiếp cận hợp lý nhằm giành thế chủ động trước dịch bệnh, hạn chế tới mức tối thiểu ca chuyển nặng, tử vong.

Phương án nào ứng phó dịch Covid-19 đang nóng trở lại TPHCM? - 1

Những dấu hiệu đầu tiên về việc dịch Covid-19 nóng lại đã xuất hiện sau hơn một tháng TPHCM mở lại các hoạt động (Ảnh: Hải Long).

Sau tuần đầu tiên của tháng 11, khi các nguy cơ ngày càng rõ nét, TPHCM đã nhanh chóng thay đổi các chiến lược về mặt dịch tễ để giành được thế chủ động đó. Ngoài ra, với kinh nghiệm của các đợt dịch trước, thành phố đông dân nhất cả nước đang có những động thái để không lâm vào thế bị động đã đôi lần phải đối mặt.

Những dấu hiệu dịch Covid-19 nóng lại

Một tuần sau lần đầu tiên công bố cấp độ dịch của từng địa bàn, TPHCM đã ghi nhận những dấu hiệu đầu tiên của nguy cơ dịch Covid-19 nóng lại. Chỉ sau một tuần, 3 quận, huyện có cấp độ dịch Covid-19 tăng lên gồm quận 10, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè.

Trong đó, ngoài quận 10 thuộc khu vực trung tâm, tập trung nhiều dân cư, các lĩnh vực dịch vụ, 2 huyện ngoại thành vốn được đánh giá là khu vực an toàn với đặc điểm dân cư ít, mật độ thưa. Tuy nhiên, Cần Giờ và Nhà Bè lại là những nơi đối mặt với thách thức trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phương án nào ứng phó dịch Covid-19 đang nóng trở lại TPHCM? - 2

Hai huyện ngoại thành của TPHCM đối mặt với thách thức trong giai đoạn khôi phục lại sản xuất (Ảnh minh họa: Nguyễn Quang).

Lý giải nguyên nhân đổi màu dịch bệnh tại 2 địa phương này, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, huyện Nhà Bè có 2 khu công nghiệp lớn, trong quá trình trở lại làm việc, nhiều người lao động có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, 2 khu công nghiệp này chưa có khu cách ly riêng nên công nhân được hướng dẫn cách ly tại địa phương.

Những ca mắc Covid-19 tăng tại huyện Cần Giờ liên quan đến việc trở về địa phương của một nhóm công nhân từ 2 khu công nghiệp trên.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nhìn nhận, một kẽ hở trong công tác phòng, chống dịch là một số trường hợp dương tính SARS-CoV-2 nhưng không khai báo ngay và trở về địa phương mới khai báo, khiến thời gian tiếp xúc kéo dài, gia tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh, kẽ hở này cần sớm được khép lại. 

Phương án nào ứng phó dịch Covid-19 đang nóng trở lại TPHCM? - 3

Bản đồ dịch Covid-19 tại TPHCM công bố sáng 8/11 (Nguồn: Cổng thông tin Covid-19 TPHCM).

Một điểm nóng khác về dịch Covid-19 của TPHCM cũng xuất hiện tại huyện Hóc Môn. Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, địa phương này có 6.712 dương tính được phát hiện qua test nhanh, ghi nhận chủ yếu từ cộng đồng tại 3.433 hộ gia đình.

Theo Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, các ca test nhanh dương tính được phát hiện tại 2.592 ổ dịch gia đình và 25 ổ dịch tại cộng đồng.

Trong số các F0 mới ghi nhận tại huyện Hóc Môn, đa số trường hợp là người lao động từ các địa phương quay lại. Bên cạnh đó, một số ca mắc Covid-19 lây nhiễm do các sinh hoạt, tiếp xúc bên ngoài.

Dập tắt nhanh các điểm nóng

Sau khi xuất hiện những nguy cơ đầu tiên tại huyện Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - đã có buổi làm việc trực tiếp tại địa phương này. Ông Nên chỉ đạo, các ổ bệnh trong gia đình, thôn, xóm phải được khoanh vùng, xét nghiệm và bóc tách kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh.

Đối với phạm vi lớn hơn như ấp, cụm dân cư có nhiều ca bệnh, ngành y tế cần khoanh lại thật nhanh.

Phương án nào ứng phó dịch Covid-19 đang nóng trở lại TPHCM? - 4

TPHCM cần khoanh vùng, xét nghiệm bóc tách nhanh các F0 tại điểm nóng (Ảnh: Hải Long).

Trong trường hợp lực lượng tại chỗ không thể đảm đương, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho biết, các lực lượng tăng cường của thành phố sẽ tham gia, đảm bảo thực hiện mục tiêu "đánh nhanh rút gọn" trong một khoảng thời gian nhất định. Thực hiện được việc đó, huyện Hóc Môn mới đảm bảo thích ứng an toàn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Với việc mở cửa lại một số hoạt động từ nay đến cuối năm, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị địa bàn cần đưa ra kế hoạch và thực hiện diễn tập khi xuất hiện các F0. Huyện Hóc Môn cần đảm bảo không rơi vào bị thế bị động, bất ngờ khi gặp tình huống trên.

Băn khoăn việc không an toàn khi mở cửa lại là chính đáng

Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, trong vấn đề mở lại các hoạt động, thành phố chưa thể có giải pháp hoàn hảo, mà chỉ có thể cân nhắc để đưa ra giải pháp tốt hơn trong thời điểm hiện tại. Ví dụ như việc mở lại các hàng, quán tại chỗ, thành phố cần cân nhắc giữa việc được gì và mất gì.

"Tới nay, nhiều ý kiến cho rằng chưa nên cho hàng, quán phục vụ tại chỗ, bán bia rượu. Băn khoăn về việc không an toàn khi mở cửa lại là điều chính đáng", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Phương án nào ứng phó dịch Covid-19 đang nóng trở lại TPHCM? - 5

TPHCM sẽ xem xét, điều chỉnh các hoạt động của đời sống theo cấp độ dịch từng địa bàn (Ảnh: Hải Long).

Trong thời gian tới, thông qua việc xét nghiệm, giám sát hàng ngày, thành phố sẽ phân vùng nguy cơ và điều chỉnh các hoạt động theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Dự kiến đến ngày 15/11, thành phố sẽ công bố chính thức về các điều chỉnh trong thời gian sau đó.

"Có thể lấy ví dụ, sau khi công bố mức độ dịch Covid-19 của từng địa phương, nơi ở cấp độ 1 có thể được hoạt động 100% các hoạt động, cấp độ 2 được 75%, cấp độ 3 được 50% và cấp độ 4 được 25% hoặc không được hoạt động", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.

Ngoài ra, thành phố sẽ bổ sung thêm các biện pháp trong tuyên truyền nâng cao ý thức, biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, ngoài việc khử khuẩn tay như trước đây, việc súc họng, súc mũi sẽ được khuyến cáo.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, tùy theo diễn biến dịch bệnh, số lượng F0, hơn 500 trạm y tế lưu động trên địa bàn sẽ có cường độ hoạt động khác nhau, thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng dự bị để đáp ứng trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các túi thuốc điều trị cấp phát cho F0 được chuẩn bị để sẵn sàng cho mọi tình huống. Đối với các túi thuốc cơ bản A và B, ngoài số lượng dự trữ sẵn có, Sở Y tế sẽ đặt mua thêm 100.000 túi.

Đối với túi thuốc C, có thuốc điều trị Covid-19 Molnulpiravir, thành phố sẽ đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm khi có nhu cầu.