1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Phú Thọ: Sạt lở bờ sông, dân kêu trời

(Dân trí) - Hơn 60 hộ dân sống ven bờ sông Hồng, đoạn chảy qua xã Vũ Yển, Thanh Ba, Phú Thọ đang phải hàng ngày đối mặt với nạn sạt lở. 5 hộ dân trong số này đã bị dòng sông “nuốt” mất nhà, hơn chục gia đình khác đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm.

Bờ sông ở đây đang sạt lở từng ngày với tốc độ rất nhanh.

 

Nước thấp nhưng dòng chảy mạnh

 

Sáng thứ bẩy 10/9, Có mặt tại nhà ông Phạm Quang Xiêm ở khu 3 xã Vũ Yển, chúng tôi được vợ chồng ông dẫn đi xem những dấu vết còn lại của ngôi nhà. Nhà ông cách sông khoảng gần 50m, nhưng tính tới thời điểm này, con nước đã ăn vào tận chân móng, cuốn trôi toàn bộ hoa màu. Ngay tại thời điểm chúng tôi có mặt, chiếc bể nước cũng đang tụt dần xuống sông. Thỉnh thoảng lại có một vở đất rơi xuống nước oàm oạp.

 

Vợ ông Xiêm, bà Đinh Thị Dần vừa đưa chúng tôi đi “tham quan”, vừa kêu xiết vì tất cả hoa màu, công trình nhà cửa chỉ trong vòng vài hôm đã mất sạch. Gia đình ông Xiêm phải nhờ hàng xóm lùi ngôi nhà vách đất vào trong đê 3m. Thế nhưng trước tình hình này, ngôi nhà lụp xụp có lẽ cũng chẳng còn.

 

Ngay sát nhà ông Xiêm, gia đình anh Trần Hồng Thiết cũng đang lâm vào tình cảnh rất khốn khó. Ngôi nhà 3 gian đã bị lở mất 2, chỉ còn gần một nửa gian nhà vỡ ngoác. Anh Thiết phải lấy ít cây điền thanh che tạm vào chỗ vỡ này. Cả gia đình (gồm 2 vợ chồng, 2 con) hiện tại phải sơ tán tất cả đồ đạc và sinh hoạt trong một túp lều rộng chừng 5m2, ngày cũng như đêm, tối như hũ nút.

 

 

Phú Thọ: Sạt lở bờ sông, dân kêu trời - 1
 

Anh Hoàng Xuân Thắng: "nền nhà
tôi là chỗ mênh mông nước kia".

Một gia đình khác, nhà anh Hoàng Xuân Thắng chỉ còn một vùng mênh mông nước, khu vực chưa bị sụt lún cũng xuất hiện những vết nứt lớn. Anh Thắng chỉ tay xuống cái xoáy nước đang xoáy mạnh: “Chỗ đó là giếng nhà tôi”.

 

Người dân trong khu vực cho biết, thời gian này nước sông không lên, thậm chí đang xuống thấp. Nhưng dòng chảy rất mạnh và quan trọng là dòng chảy bị nắn vào đúng chân đê. Nước càng xuống tốc độ sạt lở càng nhanh. Bởi vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhiều hộ gia đình đã bị sạt lở, mất công trình phụ, mất nhà. Trong số hơn 1,5km sụt lở, có 400m sụt lở mạnh nhất. Tất cả các hộ dân sống trong trong khu vực sụt lở mạnh này đều đã mất nhà.

 

Dự án kè đê triển khai chậm

 

Ông Nguyễn Công Lương- Chủ tịch xã Vũ Yển cho hay: “Con đê 312B do tỉnh Phú Thọ quản lý, hơn 1,5km chảy qua xã Vũ Yển hiện đang trong tình trạng sạt lở rất mạnh, đặc biệt là trong thời gian từ cuối tháng 8/2005 tới nay. Trong những ngày gần đây, dòng chảy thay đổi ăn hẳn vào chân đê rất nguy hiểm. Chúng tôi chỉ biết theo dõi 24/24, kịp thời báo cáo mọi tình hình diễn biến lên trên huyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền di dân theo chỉ đạo của huyện”.

 

 

Phú Thọ: Sạt lở bờ sông, dân kêu trời - 2
 

Nhà anh Thiết chỉ còn 1/3.

Tại UBND huyện Thanh Ba, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Chủ tịch huyện, ông Nguyễn Minh Dục vẫn trực chỉ đạo. Ông Dục nói, “Con đê do tỉnh quản lý. Hiện tại tỉnh đang thi công dự án kè đê. Khi xảy ra hiện tượng sụt lún, chúng tôi đã ra thông báo, sơ tán dân vào vùng an toàn, đồng thời chỉ đạo xã lập tức cấp đất tái định cư cho dân, mỗi hộ được quy hoạch 102m2. Nếu như không sụt lún thì một số hộ dân trong khu vực này vẫn phải di dời để phục vụ dự án kè đê. Trước tình trạng sụt lún nghiêm trọng, chúng tôi đã báo cáo lên tỉnh và có các chỉ đạo kịp thời xuống xã”.

 

Theo phản ánh của người dân, dự án kè đê được triển khai rất chậm trễ. Lãnh đạo xã Vũ Yển cũng thừa nhận điều này. Hiện tại, nước sông đã ăn tới tận chân đê, và nếu không may con đê bị vỡ, thì hậu quả chắc chắn không thể lường hết.

 

Bảo Trung