1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Kiên Giang:

Phú Quốc lại "nóng" chuyện lấn chiếm, phá rừng

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Theo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra ở hầu hết các xã phường của TP Phú Quốc. Từ đầu năm đến nay, địa phương này đã khởi tố hình sự 5 vụ về tội phá rừng.

Khoan lỗ, đổ thuốc cho cây rừng chết

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2022, cơ quan này đã phát hiện 269 vụ phá rừng. Qua đó, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự 5 vụ "tội Hủy hoại rừng" và chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an thành phố Phú Quốc.

Ngoài ra, đã khám nghiệm hiện trường 15 vụ nhưng chưa khởi tố vụ án hình sự, trong đó 8 vụ xác định đối tượng, 7 vụ đang xác minh đối tượng.

Phú Quốc lại nóng chuyện lấn chiếm, phá rừng - 1

Năm 2018, tình trạng lấn chiếm, phá rừng; xẻ thịt đất nông nghiệp phân lô bán nền từng được báo Dân trí phản ánh. (Ảnh chụp năm 2018: Trung Kiên).

Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc đã xử lý hành chính 150 vụ, liên quan các hành vi phá rừng trái pháp luật, như lấn, chiếm rừng; vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản; khai thác rừng trái pháp luật…

Liên quan các vụ việc nêu trên, ngành chức năng thu giữ nhiều tang vật và tổng số tiền xử phạt, nộp ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng.

Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc cho rằng, trên địa bàn các xã, phường đều xảy ra tình hình phá rừng, lấn, chiếm rừng…

Cụ thể, xã Gành Dầu có 84 điểm nóng xảy ra tình trạng phát dọn dây leo, phá rừng, cất nhà, trồng cây… tại tiểu khu 59, 61 thuộc ấp Gành Dầu, ấp Chuồng Vích.

Tại các xã: Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Cửa Dương và Dương Tơ tình trạng phát dọn dây leo, lấn chiếm và phá rừng phòng hộ, đặc dụng với hàng trăm điểm nóng. Đặc biệt, tình trạng phá rừng Quốc gia còn xảy ra trên địa bàn xã Cửa Cạn.

Phú Quốc lại nóng chuyện lấn chiếm, phá rừng - 2

Tình trạng chặt phá rừng tại Núi Cái Khế, ấp Búng Gội, xã Cửa Dương từng được báo Dân trí phản ánh (Hình ảnh người dân chụp vào 27/8/2019).

Phú Quốc lại nóng chuyện lấn chiếm, phá rừng - 3

Hình ảnh PV Dân trí ghi nhận tại Núi Cái Khế vào 25/5/2020 (Ảnh: Nguyễn Hành).

Phú Quốc lại nóng chuyện lấn chiếm, phá rừng - 4

PV Dân trí ghi nhận vào ngày 26/5, khu vực phá rừng tại núi Cái Khế đã được san lấp, làm đường và dựng cột điện. Cột mốc ranh rừng Quốc gia 573 đã không còn (Ảnh: Nguyễn Hành).

Trở lại điểm "nóng" hơn 8 ha rừng bị chặt phá tại Núi Cái Khế (ấp Búng Gội, xã Cửa Dương) mà báo Dân trí từng phản ánh vào năm 2020, PV bất ngờ khi diện tích rừng bị chặt phá tại khu vực này được mở rộng thêm. Đáng nói, mặt bằng ở đây được san lấp, làm đường, dựng cột điện và một căn nhà đang được dựng lên.

Theo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, tình trạng lấn chiếm và phá rừng không chỉ xảy ra ở các "vùng sâu" tại các xã mà còn xảy ra ở phường Dương Đông và phường An Thới. Đáng nói, tại Núi Điện Tiên thuộc phường Dương Đông, các đối tượng phá rừng tinh vi hơn bằng cách khoan lỗ và đổ thuốc làm cây rừng chết.

Mạnh tay xử lý và ngăn chặn phá rừng

Theo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, thời gian qua công tác kiểm tra, xử lý được tăng cường, tuy nhiên tình trạng lấn, chiếm và phá rừng trong 5 tháng đầu năm vẫn còn xảy ra. Các đối tượng phá rừng, lấn chiếm rừng hoạt động bất cứ thời gian nào, không kể ngày đêm, luôn có người canh đường, theo dõi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và Kiểm lâm nên khó phát hiện vi phạm quả tang.

Các đối tượng vi phạm hầu hết ở các địa phương khác đến Phú Quốc làm thuê, do đó, việc xác định, mời các đối tượng làm việc gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian dẫn đến công tác điều tra, xử lý kéo dài.

Phú Quốc lại nóng chuyện lấn chiếm, phá rừng - 5

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành (đội mũ) dẫn đầu đoàn công tác tỉnh đến kiểm tra công tác quản lý và xử lý tình trạng lấn chiếm và phá rừng tại TP Phú Quốc (Ảnh: CTV).

Liên quan đến công tác bảo vệ và xử lý tình trạng lấn, chiếm và phá rừng tại TP Phú Quốc, mới đây, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang dẫn đầu đoàn công tác tỉnh đến làm việc nhiều ngày tại TP Phú Quốc.

Ông Lâm Minh Thành cho biết, qua báo cáo của ngành chức năng, tình trạng quản lý rừng có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng lấn chiếm, phá rừng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân, ai cũng thấy rõ là diện tích rừng rộng lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi đó lực lượng kiểm lâm mỏng, thiếu công cụ, thiết bị giám sát và phát hiện các hành vi xâm hại rừng…

"Qua chuyến công tác cùng các sở, ngành và lãnh đạo TP Phú Quốc, chúng tôi đã có những chỉ đạo và kế hoạch cụ thể để trấn áp tội phạm có các hành vi lấn, chiếm, phá rừng. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ dành kinh phí mua sắm các thiết bị quan sát từ trên cao, công cụ hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, kể cả xây dựng hàng rào bảo vệ rừng ở những điểm nóng", ông Thành nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc có trách nhiệm phối hợp các cơ quan ban ngành quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, trả lại rừng cho Phú Quốc. Cùng với đó, đề nghị cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng lập kế hoạch, chương trình cụ thể, rõ ràng, sự phối hợp chặt chẽ, khoa học để triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng.

Được biết, năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập tổ công tác đặc biệt, phản ứng nhanh để xử lý các vụ việc lấn chiếm đất rừng trên địa bàn Phú Quốc, cơ cấu tổ đặc biệt bao gồm: công an, lực lượng cảnh sát cơ động, lực lượng kiểm lâm, các cơ quan quản lý rừng, quản lý vườn quốc gia trên đảo…

Theo báo cáo của Vườn Quốc gia Phú Quốc, hiện nay đơn vị đang quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn 7 xã và 2 phường, với diện tích rừng chiếm khoảng 63% diện tích tự nhiên của toàn TP Phú Quốc. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng chiếm gần 29.600ha (giảm khoảng 1.500ha) tập trung khu vực Bắc đảo, rừng phòng hộ gần 6.700ha (giảm hơn 5.200ha) tập trung khu vực Nam đảo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm