Kiên Giang:

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm?

(Dân trí) - Tại Núi Cái Khế, hơn 8ha rừng quốc gia bị chặt phá. Người dân thấy xe cơ giới vào phá rừng, báo với kiểm lâm, chính quyền địa phương nhưng 4 lần lập biên bản vẫn không biết... ai phá rừng (!?).

Anh H. (một người dân sống gần khu vực cây rừng bị chặt phá) dẫn PV Dân trí đến bãi đất trống (gọi là Núi Cái Khế, ấp Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, Kiên Giang), chỉ vào những xác cây rừng bị đốt cháy nham nhở, cho biết, cách đây khoảng một năm, diện tích rừng bị chặt phá khoảng 3.000 – 4.000 m2, còn nay lên đến 8.000 – 9.000m2. Nhưng điều lạ là kiểm lâm, cán bộ xã không bắt được bọn phá rừng.

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 1

Hình ảnh người dân chụp vào 27/8/2019

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 2

Khi đó, diện tích rừng bị phá trên dưới 3.000m2

Cột mốc ranh rừng quốc gia 573 bị bật gốc ngã vào tường rào. Mấy trăm mét cây rừng bị chặt và nhiều cây rừng bị vùi xuống đất. Đoạn giữa hai cột mốc 571 và 573 có đến 2-3 ha rừng đã bị chặt phá. Gần cột mốc 571 có người đã trồng cây ăn trái. Sự việc này UBND xã Cửa Dương đã lập biên bản.

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 3

Còn đây là hình ảnh PV Dân trí ghi nhận vào 25/5/2020. Sau cột mốc ranh rừng quốc gia 573, diện tích rừng bị chặt phá lên đến 8ha

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 4

Với diện tích rừng bị chặt phá rộng như thế này phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy móc, xe cuốc... Thế nhưng cán bộ xã, huyện vẫn không ai hay biết?

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 5

Tại khu vực cây rừng bị chặt phá, một con suối cũng bị các đối tượng san lấp

Nhiều người dân sống khu vực này bức xúc cho biết, khi thấy người mang xe cơ giới vào chặt phá rừng, người dân gọi điện thoại báo kiểm lâm thì được trả lời “đất do xã Cửa Dương quản lý”; còn khi gọi cán bộ xã Cửa Dương thì bảo đất rừng quốc gia, chưa bàn giao cho xã quản lý?

Để tìm hiểu sự việc phá rừng quốc gia nêu trên, PV Dân trí đến Vườn quốc gia Phú Quốc. Ông Nguyễn Văn Tiệp – Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc ghi nhận nội dung và ngày 27/5, ông Tiệp có văn bản trả lời về vụ phá rừng ở núi Cái Khế.

Rừng quốc gia ở Phú Quốc bị chặt phá

Theo văn bản Giám đốc Vườn quốc gia Nguyễn Văn Tiệp ký, thừa nhận có xảy ra tình trạng chặt, cuốc phá cây rừng để lấn chiếm đất. Toàn bộ diện tích thuộc đất nhà nước quản lý và diện tích bị chặt phá khoảng 8ha.

Khi nhận tin báo người dân, Vườn quốc gia có đến kiểm tra và 4 lần lập biên bản, nhưng không có người nhận. Hiện Vườn quốc gia đã bàn giao biên bản cho UBND xã Cửa Dương, xử lý theo thẩm quyền.

Liên quan vụ phá rừng này, ông Tiệp cũng cho biết, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh cùng ngành chức năng đã đến hiện trường và chỉ đạo công an huyện phối hợp với UBND xã Cửa Dương điều tra, xác minh đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật.

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 6

Người dân địa phương cho rằng, các đối tượng biết cột mốc ranh rừng quốc gia sắp tới sẽ dời theo quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ nên đến chặt phá

Hơn 8ha rừng bị chặt phá, 4 lần lập biên bản nhưng... không biết thủ phạm? - 7

Dư luận băn khoăn vì sao các đối tượng phá rừng biết chính xác cột mốc ranh rừng nào di dời để ra tay chặt phá đúng tọa độ? 

Theo Vườn quốc gia Phú Quốc, hiện nay Vườn quốc gia không còn chức năng xử lý hành vi phá rừng (theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng), Vườn quốc gia chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, lập biên bản ban đầu và chuyển hồ sơ sang Hạt Kiểm lâm huyện, UBND cấp xã xử lý.

Ông Nguyễn Văn Tiệp – Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết, diện tích rừng lớn, nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia mỏng; địa bàn quản lý phức tạp, đất dân, đất dự án, đất nhà nước quản lý xen với rừng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.

Các đối tượng thực hiện hành vi phá rừng luôn cử người theo dõi lực lượng tuần tra; phá rừng cả ban đêm, ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật nên rất khó truy bắt các đối tượng. Khi giáp mặt, các đối tượng phá rừng hung hăng, chửi bới và kéo đến trạm đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ… Đa số các đối tượng phá rừng là dân tạm trú nên khi xong việc là rời khỏi địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất đoạn cầu 17-18 (ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu) năm 2017 chỉ có 3 hộ vào xâm chiếm, với diện tích khoảng 10.000 m2 đất rừng bị chặt phá. Đây cũng là số liệu kiểm tra thực địa của Thanh tra Chính phủ tại thời điểm 2018, nhưng chính quyền xử lý không kiên quyết nên người dân tứ xứ tiếp tục tấn công vào rừng. Thống kê sơ bộ của xã, hiện có 60 ngôi nhà đã được cất lên trên khu đất này, với tổng diện tích xâm chiếm trên 30 ha.

Nguyễn Hành