1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TS. Nguyễn Phạm Ý Nhi - GĐ Bệnh viện Xanh Pôn:

“Phụ nữ trước hết phải là người của gia đình”

(Dân trí) - Trong phút giây trải lòng nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chị vẫn tự nhận mình là một người phụ nữ của gia đình, dù chị là hình mẫu mà nhiều phụ nữ khác hướng tới, đó là TS Nguyễn Phạm Ý Nhi - GĐ bệnh viện Xanh Pôn, Đại biểu QH khóa XII.

Người phụ nữ cứu rỗi sinh mệnh những em thơ

Sinh năm 1959 trong một gia đình có truyền thống hành nghề chữa bệnh cứu người khi ông ngoại là bác sĩ, mẹ là y sĩ tại Bệnh viện Tai, mũi, họng thuộc bệnh viện Bạch Mai, ngay từ nhỏ, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi đã có một đam mê đặc biệt với y học. Suốt những năm tháng tuổi thơ rong ruổi trên khắp các nẻo đường sơ tán, hình ảnh mẹ và các bác sĩ đồng nghiệp lập bệnh viện dã chiến cứu người tại bất cứ nơi đâu đã thổi bùng lên trong tâm trí cô bé Nhi ngày ấy một khao khát cháy bỏng cùng một ý thức trách nhiệm sâu sắc của người thầy thuốc.

 
Năm 1977, khát vọng đã thành hiện thực khi chị thi đỗ trường Đại học Y Hà Nội. Với một tình yêu trẻ nhỏ đặc biệt, sau 4 năm học tập đạt thành tích xuất sắc, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi đã quyết định theo học chuyên ngành Nhi khoa. Năm 1983, chị nhận công tác tại Khoa Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn bắt đầu “thiên chức” cứu rỗi sinh mệnh những bệnh nhân trẻ thơ.
 
 
“Phụ nữ trước hết phải là người của gia đình” - 1
TS Nguyễn Phạm Ý Nhi (ảnh giữa) trong một lần trao từ thiện hỗ trợ Đồng bào Miền trung bị lũ lụt tháng 10/2010. (Ảnh: Q.Đ)
Để trở thành một chuyên gia đầu ngành về tim, mạch trẻ em hiện nay với học hàm tiến sĩ chuyên khoa tim mạch duy nhất tại Bệnh viện Xanh Pôn, động lực lớn nhất với TS Nguyễn Phạm Ý Nhi là nỗi ám ảnh về số phận những em thơ mắc những căn bệnh về tim mạch hiểm nghèo mà chỉ cách đây khoảng 15 năm, y học của chúng ta đã gần như bó tay. Nỗ lực học tập không ngừng nghỉ, năm 1992, bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi khi ấy đã hoàn thiện mục tiêu trở thành bác sĩ chuyên khoa 1.
 
Bước ngoặt lớn nhất trong hành trình nghiên cứu về tim mạch nhi khoa của TS Nguyễn Phạm Ý Nhi là hai chuyến đi thực tập sinh về tim mạch trẻ em tại Pháp năm 1995, năm 1999 và việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Nhi khoa chuyên ngành tim mạch. Gần 30 năm hành nghề, chị đã giúp hàng nghìn trái tim của các em thơ lỗi nhịp đập trở lại bình thường. Trong ký ức của mình, chị không bao giờ quên được những ca tim bẩm sinh nhi khoa khoảng những năm 90 của thế kỷ trước khi kỹ thuật cứu chữa lúc ấy tại Việt Nam chỉ cho phép điều trị các triệu chứng của suy tim chứ không thể trực tiếp điều trị tận gốc căn bệnh quái ác này.
Với vốn kiến thức tiên tiến tiếp thu được từ Pháp, chị và các đồng nghiệp của mình đã mang về Việt Nam những kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới mà điển hình là kỹ thuật phẫu thuật tim mở điều trị đã thông liên thất và thông liên nhĩ thành công. Những kỹ thuật ấy đã trở thành nền móng căn bản nhất để chuyên khoa tim mạch trẻ em phát triển từ việc không thể phẫu thuật tim mở đến việc phẫu thuật tim mở với trẻ trên 10kg, dưới 10kg và hiện nay đạt đến trình độ phát hiện bệnh tim trước khi sinh và có thể mổ ngay sau sinh với trẻ chỉ đạt cân nặng 2kg.
Gần 30 năm mang thiên chức chỉnh lại nhịp đập trái tim các em thơ, giờ đây, ngoài cương vị Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi còn là đại biểu quốc hội khóa XII, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bận bịu “trăm công ngàn việc” nhưng chị vẫn giữ cương vị là chuyên gia đầu ngành về tim mạch trẻ em khi vẫn tham gia hội chẩn những ca bệnh khó và đặc biệt là sự miệt mài truyền thụ những kinh nghiệm và vốn kiến thức quý giá suốt một đời hành nghề của mình cho các lớp thế hệ trẻ kế cận với niềm tin và niềm hy vọng vào thế hệ trẻ trong “thiên chức” cứu rỗi sinh mệnh các em thơ.
Người phụ nữ của gia đình không chỉ trong ngày 8/3
 
Có lẽ chính từ trách nhiệm của người chị cả chăm sóc 2 em trong suốt những ngày thơ ấu khi bố đi công tác biền biệt, mẹ thường xuyên đau yếu đã hình thành nên trong ý thức của người mẹ, người vợ.
 
Chị yêu thương và chăm sóc con cái theo cách riêng của mình, cách của một người phụ nữ tự lập, kiên nghị, cứng cỏi nhưng vẫn luôn đầy ắp trái tim yêu thương. Con trai duy nhất giờ đã trưởng thành và là niềm tự hào của chị.
 
Con trai tốt nghiệp đại học, vào cơ quan mới được phân công công tác một thời gian tại TP.Hồ Chí Minh khi chị đã giữ một cương vị nhất định và đủ khả năng để giữ con công tác tại Hà Nội. Thế nhưng, với trải nghiệm của mình, chị đã khuyến khích con trai của mình đi xa để học cách tự lập, học cách vượt qua thử thách của cuộc sống.
 
 
“Phụ nữ trước hết phải là người của gia đình” - 2
Mọi thành công của TS Nguyễn Phạm Ý Nhi trên các cương vị đều có sự hậu thuẫn của gia đình. (Ảnh: A.T)
Công việc tất bật triền miên từ ngày này qua ngày khác từ công việc quản lý, công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn sau đại học…đến công tác trên cương vị đại biểu quốc hội, họp hành, tiếp xúc cử tri…nhưng dù bận đến đâu chị vẫn sắp xếp thời gian cho bữa cơm tối với gia đình. Ngay cả những khi phải về nhà muộn đã quá bữa nhưng tất cả mọi người vẫn đợi chị bằng được mới ngồi vào mâm cơm. Trong những chia sẻ với chúng tôi, tâm niệm về người phụ nữ của chị thật bình dị. Người phụ nữ trước hết phải là người phụ nữ của gia đình, người phụ nữ của hình ảnh thường nhật chứ không hẳn chỉ là người phụ nữ xuất hiện trong ngày 8/3.

Đã bước qua tuổi 50 nhưng nét đằm thắm và hiền hậu vẫn luôn đọng lại trong nụ cười thường trực của chị. Hai tiếng “gia đình” là hai tiếng mà chị nhắc đến nhiều nhất trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Hình ảnh chồng và con trai cứ thấp thoáng đâu đó ngay cả trong những nỗi vui buồn chuyện nghề qua lời kể của chị. Và chúng tôi hiểu gia đình chính là cầu nối đưa chị đến với các em thơ cũng như những thành công đến ngày hôm nay.

Anh Thế - Quốc Đô

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm