1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

"Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn"

Phùng Minh

(Dân trí) - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, nhưng cũng là nhân tố tích cực, quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Ngày 6/11, tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức diễn đàn Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, nhưng cũng là nhân tố tích cực, lực lượng quan trọng trong bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn - 1

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (Ảnh: Thế Kha).

"Phụ nữ là những người tiên phong, chủ động, sáng tạo mang đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế hướng tới việc tái sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường", bà Hương nhìn nhận.

Bà Hương dẫn chứng thực tế tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đứng thứ hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 27,2%, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khoảng 26,5% và chiếm hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Các cấp hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho hội viên và người dân trong thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; khuyến khích sáng kiến tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Tiến sĩ Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập tạp chí Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là yếu tố cơ bản để bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ chất thải.

"Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động tham gia tích cực của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sống", ông Hưng nhận định.

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn - 2

Nghị định 45/2022 xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Thông tin tại diễn đàn cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước mỗi ngày khoảng gần 68.000 tấn, riêng khu vực đô thị phát sinh khoảng hơn 38.000 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng gần 28.000 tấn/ngày; khoảng 3,9 triệu tấn rác nhựa mỗi năm.

70% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt, vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nước, vừa gây ô nhiễm môi trường. Việc tái chế chất thải rắn sinh hoạt không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, góp phần thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường và hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Xử phạt tới 1 triệu đồng

Luật Bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12.

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm