1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ thất thoát phóng xạ tại Viện công nghệ xạ hiếm:

Phóng xạ bị mất là phóng xạ gì, nguy hiểm đến đâu?

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đưa tin về vụ <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/121724.vip">thất thoát phóng xạ</a> ở Viện Công nghệ xạ hiếm hôm 29/5, sự việc lập tức gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn có nhiều mâu thuẫn trong việc xác định nguồn phóng xạ là phóng xạ gì, mức độ nguy hiểm đối với sức khoẻ người dân đến đâu và trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào?

Trong văn bản thông tin với báo chí sáng 6/6, ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân cho biết:

 

Ngay khi phát hiện nơi có chất phóng xạ, chúng tôi đã đo đạc trong nhà chị Hoa, và các nhà xung quanh. Kết quả cho thấy, tại những địa điểm trên không có dấu hiệu nhiễm xạ (chỉ được coi là nhiễm xạ khi đo bằng các thiết bị đo độ phóng xạ cho thông số vượt dấu hiệu an toàn).

 

Ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân cho biết: Lõi của chiếc hộp này đựng một lượng đồng vị phóng xạ Eu-152 dạng bột.  

 

Cục cũng đã tiến hành tẩy xạ đúng quy trình, nạo vét toàn bộ nền nhà và những nơi nhiễm bẩn, gom toàn bộ vật phẩm chuyển về Kho lưu giữ chất thải phóng xạ của Viện Công nghệ xạ hiếm.

 

Ngày 5/6, chúng tôi đã đưa chị Hoa và gia đình (4 người) đi kiểm tra sức khoẻ tại Viện Y học và U bướu quân đội. Theo kết luận do Giám đốc Bệnh viện, đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa ký cho thấy chưa có ảnh hưởng đến sức khoẻ của chị Hoa và các thành viên trong gia đình (điện tim bình thường, sinh hoá chưa có gì biến đổi, siêu âm chưa thấy bất thường, bề mặt toàn thân chưa có  điểm bắt xạ bất thường…). Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn đang tiếp tục theo dõi sức khoẻ của chị Hoa.

 

Theo tính toán thì khi chị Hoa tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ và phải chịu tối đa mức chiếu xạ là 5 mili Sivert, với giả thiết chị Hoa sống 24 giờ liên tục trong 5 ngày liền (từ ngày bắt đầu sửa chữa nhà, bị mất hộp đến lúc phát hiện ra thu hồi) thì liều bức xạ này vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN 6866:2001.

 

Phóng xạ bị mất là phóng xạ gì, nguy hiểm đến đâu? - 1

Chị Nguyễn Thị Hoa (phải), chủ cửa hàng thu mua phế liệu số 628 Bạch Đằng, đang kể lại sự việc với PV Dân trí. (Ảnh: V.Đ)

Phóng xạ bị thất thoát là phóng xạ gì?

Trả lời báo chí trước đó, ông Ngô Đặng Nhân cho biết chất phóng xạ bị thất thoát có kích thước to bằng hạt đậu xanh. Đến hôm nay Cục Kiếm soát an toàn bức xạ hạt nhân trả lời đây là phóng xạ EU-152, dạng bột, có khối lượng tương đương đầu bút bi (?). Đây là nguồn đồng vị phóng xạ được sản xuất tại lò phản ứng Đà Lạt vào tháng 10/1995, được sử dụng để nghiên cứu đánh dấu chất hiếm, có hoạt độ hiện tại là 14 mili Curi. 

Phóng viên Dân trí đã liên lạc với ông Lê Bá Thuận, Viện trưởng Viện công nghệ xạ hiếm (cơ quan làm thất thoát nguồn phóng xạ) để có một câu trả lời. Tuy nhiên ông Viện trưởng cho biết đang bận họp ở Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về vấn đề này nên không tiếp phóng viên và từ chối trả lời các thông tin liên quan. Song theo xác minh của phóng viên Dân trí, trong thời điểm đó tại UBNDTPHN không có cuộc họp nào liên quan đến vụ thất thoát nguồn phóng xạ với Viện Công nghệ xạ hiếm cả. Liên lạc lại với ông Thuận thì máy ông luôn trong tình trạng "ngoài vùng phủ sóng".

Trước đó, chủ tịch UBND phường Bạch Đằng tỏ ra bức xúc khi cho biết phường đã nhiều lần liên hệ với Viện công nghệ xạ hiếm để xin một buổi làm việc về cách xử lý và các vấn đề liên quan đến vụ thất thoát phóng xạ xảy ra trên địa bàn phường, nhưng đến nay Viện vẫn không có thông tin phản hồi.

 

Đây là thái độ thiếu trách nhiệm của cá nhân ông Viện trưởng và cơ quan làm thất thoát nguồn phóng xạ.

 

Rốt cuộc phóng xạ bị thất thoát là chất phóng xạ gì? Mức độ nguy hiểm thực sự đến đâu? Đến thời điểm này, dư luận vẫn đang chờ một câu trả lời chính thức từ phía các cơ quan có thẩm quyền.

 

Chất phóng xạ Eu-152

 

Chất đồng vị phóng xạ Eu-152 phát ra bức xạ gamma. Đồng vị này có thời gian bán rã là 13,5 năm (tức là sau 13,5 năm thì hoạt độ của nó mới bị suy giảm đi một nửa). Đồng vị này có ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khoẻ con người.

 

Bức xạ gamma là bức xạ điện từ. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ tương tác với các chất có trong cơ thể con người và tạo ra các điện tử thứ cấp. Các điện tử thứ cấp này là các hạt mang điện nên sẽ gây ra hiện tượng ion hoá dẫn đến việc phá huỷ các tế bào sống trong cơ thể. Xác suất tạo ra các điện tử thứ cấp tỉ lệ với năng lượng của bức xạ gamma theo hàm mũ.

 

Đồng vị Eu-152 phát ra nhiều nhóm bức xạ gamma có năng lượng khác nhau, trong đó có nhiều nhóm có năng lượng lớn hơn 1 MeV. Quãng chạy tự do của các gamma này vì vậy là khá lớn và để che chắn nó, cần phải sử dụng các vật liệu che chắn có số khối lớn (ví dụ dùng chì với bề dày hàng chục cm).

 

Nếu chất phóng xạ ở dạng bột thì nguy hiểm hơn nhiều so với chất phóng xạ nằm trong vỏ bảo vệ vì rằng khả năng khuếch tán của nó lớn hơn nhiều và rất khó kiểm soát. Đặc biệt nguy hiểm nếu các chất bột này khuếch tán vào trong đồ uống (nước), đồ ăn... vì khi đó sẽ gây ra hiệu ứng chiếu trong rất nguy hiểm.

 

Chất phóng xạ Coban (cobalt)

 

Coban Co-60 (Co60) có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học. Đây là kim loại phóng xạ dùng trong xạ trị. Kim loại này có đặc tính tạo ra bụi mịn, gây ra vấn đề về bảo vệ bức xạ. Nguồn Co-60 hữu dụng trong vòng khoảng 5 năm, nhưng ngay cả sau thời điểm này, mức độ phóng xạ vẫn rất cao. Vì vậy máy móc dùng coban đã không còn được sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây. Hiện nay, người ta sử dụng phổ biến máy gia tốc hạt tuyến tính thay cho máy móc dùng coban trước đây.

 

Một số mô hình vũ khí hạt nhân có chủ ý gia tăng lượng 60Co phát tán dưới hình thức bụi phóng xạ nguyên tử – nên có khi người ta gọi đó là bom bẩn hoặc bom coban.

Nhiều sinh vật sống (kể cả người) phải cần đến một lượng nhỏ coban trong cơ thể để tồn tại. Cho vào đất một lượng nhỏ coban từ 0.13-0.30 mg/kg sẽ làm tăng sức khỏe của những động vật ăn cỏ. Coban là một thành phần trung tâm của vitamin cobalamin, hoặc vitamin B-12.

Tên gọi Coban (cobalt) có xuất xứ từ tiếng Đức kobalt hoặc kobold, nghĩa là linh hồn của quỷ dữ. Tên này do những người thợ mỏ đặt ra vì nó mang tính độc hại, gây ô nhiễm môi trường, và làm giảm giá trị những kim loại khác.

 

Nhóm PV

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban