Phong điện đã tới Việt Nam
Không tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, dễ chọn địa điểm và tiết kiệm chi phí xây dựng, các trạm phong điện đang dần chiếm ưu thế, trở thành nguồn cung cấp năng lượng điện lớn nhất thế giới.
Nguồn năng lượng bất tận
Từ xa xưa, con người đã biết khai thác sức gió để phục vụ cuộc sống. Đến năm 1940, tuabin gió lớn nhất thế giới được đặt trên đỉnh đồi Vermont, Rutland nước Anh với công suất 1,25MW khi sức gió đạt 13,4112m/s, cung cấp điện cho sinh hoạt cho người trong vài tháng tại thời kỳ Thế chiến II. Đến nay, các động cơ tuabin chạy bằng sức gió đã được sử dụng trên toàn thế giới, ngành công nghiệp phong điện thu về hơn 9 tỷ USD mỗi năm.
Chi phí xây dựng một trạm phong điện bao gồm: chi phí cho máy phát điện và các cánh đón gió; bộ ổn áp và hòa mạng, tự động đưa dòng điện về điện áp và tần suất với mạng điện quốc gia; ắc - quy, bộ nạp và thiết bị đổi điện; chi phí cho phần tháp hoặc trụ đỡ; chi phí cho việc vận chuyển tới nơi xây dựng và công việc lắp đặt trạm.
Năm 2006, các trạm phong điện tại Hoa Kỳ, chủ yếu từ bang Texas, California, Iowa, Minnesota và Oklahoma đã sản xuất tổng cộng 26,6 tỷ kWh điện tiêu dùng, đủ cung cấp cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình. Nguồn năng lượng tạo ra từ sức gió càng tăng nhanh trong 2 năm gần đây.
Phong điện là nguồn năng lượng có sức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Công suất hiện nay của toàn thế giới là gần 50.000MW - xấp xỉ công suất của 50 nhà máy điện hạt nhân. Các trạm phong điện - máy phát điện lợi dụng sức gió - đã được sử dụng nhiều ở các nước châu Âu, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác. Nước Đức đang dẫn đầu thế giới về công nghệp phong điện với tổng công suất 22,3 GW trong năm 2007, hơn 19.460 tuabin được đặt tại khắp đất nước, tạo công ăn việc làm cho hơn 70.000 người. |
Ưu điểm dễ thấy nhất của phong điện là không tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường và không khó chọn địa điểm như các nhà máy thủy điện. Các trạm phong điện có thể đặt tại bất cứ địa điểm nào gần nơi tiêu thụ điện, như vậy tránh được chi phí cho việc xây dựng đường dây tải điện. Các trạm phong điện đặt ở ven biển sẽ cho sản lượng cao hơn các trạm nội địa vì bờ biển thường có gió mạnh, công suất sẽ cao hơn. Giải pháp này giúp tiết kiệm đất xây dựng, đồng thời việc vận chuyển các thiết bị lớn trên biển cũng thuận lợi hơn đường bộ. Những mỏm núi, đồi hoang không sử dụng được cho công nghiệp, nông nghiệp cũng là nơi lý tưởng để xây dựng một trạm phong điện, giải pháp này sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng trụ đỡ cao.
Các dự án phong điện ở Việt Nam
Ngày 12/9/2007, nhà máy phong điện Phương Mai 3 - nhà máy phong điện đầu tiên của Việt Nam chính thức khởi công xây dựng tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Nhà máy được xây dựng trên mặt bằng rộng 140ha, với tổng số vốn đầu tư hơn 35,7 triệu USD do Công ty cổ phần Phong điện miền Trung làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 14 tuabin, 14 máy biến áp, có khả năng cung cấp trên 55 triệu kWh điện mỗi năm. Theo khảo sát của các nhà chuyên môn về địa hình, chế độ gió và tốc độ gió quanh năm cho thấy địa bàn xã Cát Chánh, Phù Cát có tiềm năng gió lớn. Xây dựng nhà máy ở đây sẽ hứng được cả hai hướng gió chính là đông bắc (mùa đông) và tây bắc (mùa hạ).
Mới đây, ngày 9/12/2008, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Aerogie Plus (Thụy Sỹ) cho biết sẽ xây dựng nhà máy phong điện - diesel tại huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chi phí đầu tư lên tới 20 triệu EUR. Chủ đầu tư đã tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc mua bán điện với UBND huyện Côn Đảo.
Theo thiết kế, nhà máy phong điện này hoạt động đồng thời bằng hai hệ thống gồm các tổ hợp tuôcbin gió với công suất 7,5MW và nhiệt diesel khoảng 3MW. Hiện chủ đầu tư đã tiến hành đo gió, thiết kế kỹ thuật và các phương án vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng từ đất liền ra Côn Đảo. Dự kiến nhà máy sẽ được khởi công đầu năm 2009 và đi vào hoạt động chỉ một năm sau đó.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam