Phong cảnh đặc trưng của vùng đất xứ Đoài mây trắng
(Dân trí) - Xứ Đoài là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ, có rất nhiều di tích lịch sử danh thắng gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc như Tản Viên Sơn Thánh, Phùng Hưng, Ngô Quyền.
Xứ Đoài là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ, có rất nhiều di tích lịch sử danh thắng gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc như Tản Viên Sơn Thánh, Phùng Hưng, Ngô Quyền.
Xứ Đoài là tên gọi cổ chỉ vùng đất phía tây Hà Nội, bao gồm thị xã Sơn Tây, phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc tỉnh Phú Thọ và một phần Tuyên Quang.
Được xem là một trong tứ trấn bên cạnh kinh đô - Thủ đô của nước Việt xưa, xứ Đoài luôn có những cuộc tiếp xúc, trao đổi văn hóa từ rất sớm với vùng đất nghìn năm văn hiến Thăng Long, do đó làm phong phú cho văn hóa những vẫn mang màu sắc của riêng vùng đất này.
Nơi đây mang vẻ đẹp truyền thống của một vùng quê sơn thủy hữu tình, với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của người Việt cổ. Hơn thế vùng đất này là "một không gian văn hóa vật thể và phi vật thể" hết sức độc đáo, đa dạng và hấp dẫn.
Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mà đối với người dân xứ Đoài đây là ngọn núi "linh thiêng" nhất.
Được thiên nhiên ưu ái, Đồng Mô, Ao Vua, Thác Đa, Ngải Sơn, Suối Hai, vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, hợp thành một quần thể non nước đẹp như tranh. Bên cạnh đó thành cổ Sơn Tây, ấp xưa Đường Lâm, đá ong là những nét đặc trưng tiêu biểu tôn thêm giá trị văn hóa lâu đời. Trong ảnh là một địa điểm thuộc vùng hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).
Xã Đường Lâm (Ba Vì, TP Hà Nội) nổi tiếng với những thôn làng cổ, có kiến trúc tiêu biểu của văn hóa người Việt vùng nông thôn miền bắc đến nay vẫn còn được gìn giữ.
Người dân xứ Đoài sống bộc trực và ngay thẳng, nhưng lại có phần nhường nhịn, ít háo danh, hay làm và cũng rất khéo tay, chính vì vậy mà vùng đất nơi đây mới có nhiều làng nghề như thế.
Một buổi chợ quê tiêu biểu tại thôn Cam Đà (Ba Vì, TP Hà Nội).
Một ngôi nhà với cổng làm bằng đá ong. Đây là loại đá mềm, xốp, lỗ chỗ như tổ ong. Do có thành phần cấu tạo chủ yếu là oxid sắt và nhôm, nên lúc còn nằm sâu dưới lòng đất chúng khá mềm, nhưng khi đào lên gặp không khí thì càng để lâu càng cứng. Hiện tại việc sản xuất chế tác vẫn làm tất cả bằng thủ công, sản phẩm tạo ra vì thế rất độc đáo.
Nơi đây còn rất nhiều những giếng cổ lâu năm vẫn được sử dụng và được xem như tài sản quý của người dân xứ Đoài. Giếng nằm rải rác ở nhiều thôn xóm, có chiếc nằm ven đường, có chiếc ẩn giấu trong đình làng nhưng có điểm chung đều ám màu thời gian.
Xã Đường Lâm (Sơn Tây. TP. Hà Nội) bao gồm 9 thôn, trong đó 5 thôn thực sự là những làng cổ: Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng, Mông Phụ. Trong ảnh là con đường làng Mông Phụ.
Đình làng Cam Đà (Ba Vì, TP. Hà Nội), một di tích lịch sử về kiến trúc rất có giá trị.
Hình ảnh thường thấy trong những buổi hoàng hôn xứ Đoài.
Một cánh đồng thuộc xã Sài Sơn (Quốc Oai, TP Hà Nội).
Chiều buông trên cánh đồng xã Đường Lâm, phía xa là núi Ba Vì linh thiêng của xứ Đoài.