1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phối hợp với Trung Quốc ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Để ngăn chặn tận gốc vấn đề gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong tuần tới, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và Bộ NN-PTNT sẽ chính thức làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã cho biết như vậy tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 10/4. Ông nói rằng, tình hình gia cầm nhập lậu hiện vẫn diễn ra hết sức phức tạp, đe dọa đến sức khỏe người dân.

 

Theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh, có nhiều nguy cơ khiến dịch cúm có thể tái phát bất cứ lúc nào bởi nhiều địa phương đã rất chủ quan và buông lỏng công tác phòng chống dịch. Tình trạng gia cầm thải loại từ nước láng giềng vẫn ồ ạt tuồn vào Việt Nam.

 

Việc buôn lậu, tiêu thụ gia cầm lậu không chỉ tại 4 tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang mà đã lan xuống các tỉnh trong nội địa, nổi lên là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng...

 

Đại diện ngành quản lý thị trường lý giải, sở dĩ tình trạng buôn lậu gia cầm ngày càng tăng bởi dân buôn lậu đã “nhờn” các ngành chức năng. 

 

Vấn đề được nhiều người dân quan tâm nhất, đó là khả năng gây bệnh của gia cầm nhập lậu. Ngoài các mẫu xét nghiệm tại Lạng Sơn cho kết quả dương tính với virus H5N1, ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Viện Thú y cũng thông báo, qua kiểm tra 30 mẫu huyết thanh gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc lấy tại Quảng Ninh đã phát hiện 10 mẫu huyết thanh dương tính với H5N1.

 

Theo các nhà chuyên môn về thú y, chăn nuôi, việc chấm dứt tình trạng buôn lậu gà thải loại vào nước ta hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu các cơ quan quản lý nhà nước thực sự quan tâm và lo lắng trước nguy cơ bùng phát dịch cúm và dịch bệnh cúm A (H5N1) từ hiểm họa gà nhập lậu.

 

Ông Nguyễn Đăng Vang - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bức xúc: Không thể hiểu vì sao vẫn có các chợ buôn bán gia cầm nhập lậu ở Bắc Giang, Lạng Sơn... mà chính quyền địa phương không xử lý. Hiện tượng vận chuyển gà lậu tại các bến xe cũng rất phổ biến, nhưng thanh tra giao thông, quản lý thị trường sao không phát hiện được?

 

Theo ông, muốn ngăn chặn được tình trạng buôn lậu gia cầm, trước mắt, các địa phương phải xử phạt thật nghiêm, tiêu hủy ngay lượng gia cầm nhập lậu. Bên cạnh đó, khuyến khích, xây dựng chính sách cho các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức xây dựng các lò giết mổ tập trung, với sản phẩm hợp lý, để người dân có thể quay lại gia cầm sạch, nói không với gia cầm nhập lậu.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các ngành chức năng liên quan, như quản lý thị trường, thú y phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, nhất là các khu vực trọng điểm có gà nhập lậu mà báo chí đã nêu.

 

Hôm nay (11/4), đích thân Bộ trưởng sẽ đi kiểm tra công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu tại Bắc Giang, yêu cầu chính quyền tỉnh này bằng mọi cách không cho gia cầm nhập lậu đổ về Hà Nội, các thành phố khác. Các ngành chức năng cũng phải chia nhau đi kiểm tra tại những địa phương khác.

 

"Cơ quan, địa phương nào để xảy ra tình trạng gia cầm nhập lậu tràn lan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng cho biết, để ngăn chặn tận gốc gia cầm nhập lậu, trong tuần tới, Bộ sẽ chính thức làm việc với đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để bàn về vấn đề này. Trong đó, sẽ bàn cách thu giữ, chặn bắt và tiêu huỷ ngay các điểm tập kết gia cầm từ phía Trung Quốc vào Việt Nam.

 

Song song đó, triển khai gấp rút việc tiêm vắc-xin tại những địa bàn trọng yếu. Sắp tới Viện Thú y Trung ương cũng sẽ nhập và thử nghiệm vắc-xin tiêm cho ngan do một công ty của Pháp sản xuất từ chủng virus H5N9. Dự kiến, loại vắc-xin này sẽ được tiêm cho ngan từ 1-3 ngày tuổi.

 

Theo H.Yên

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm