DMagazine

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp

(Dân trí) - Pho tượng đồng cổ tồn tại gần 5 thế kỷ tại làng Trà Liên, tỉnh Quảng Trị, ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí, được người dân gìn giữ và đã trải qua nhiều lần bị đánh cắp.

Pho tượng đồng cổ tồn tại gần 5 thế kỷ tại làng Trà Liên, tỉnh Quảng Trị, ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí, được người dân gìn giữ và đã trải qua nhiều lần bị đánh cắp.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 1

Đã gần 5 thế kỷ qua, người dân làng Trà Liên, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) luôn gìn giữ, bảo vệ một pho tượng đồng cổ "có một không hai". Dù chưa có cơ sở khoa học để khẳng định lai lịch của pho tượng đồng nhưng với người dân làng Trà Liên, pho tượng đồng là hiện thân của bậc thánh nhân, người dân xem như Thành hoàng và được thờ cúng với các nghi thức thành kính.

Qua câu chuyện của các cụ cao niên làng Trà Liên, nhân vật lịch sử gắn với pho tượng đồng cổ và quá trình lưu giữ vẫn còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí.

Cụ Nguyễn Tùy (85 tuổi), ở làng Trà Liên là một trong số những cụ cao niên có chút am hiểu về pho tượng cổ được xem là "báu vật" của làng. Cụ Tùy cũng không biết rõ pho tượng đồng cổ của làng có từ khi nào. Câu chuyện được dân làng lưu truyền từ nhiều đời nay cho rằng, tượng đồng tạc ngài Nguyễn Ư Dĩ, cậu của chúa Nguyễn Hoàng. Ông là người có công phò chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp, nên được xem là khai quốc công thần của nhà Nguyễn.

Khi ông mất được chúa Nguyễn Hoàng đúc tượng và lập đền để thờ. Nhưng nhiều năm sau, đền thờ bị tàn phá, người dân phát hiện pho tượng đồng và cho rằng hình dáng giống tượng Phật nên lập chùa Liễu Bông (hay tên gọi khác là Liễu Ba), để đưa tượng đồng vào thờ ở ngôi chùa này.

Dẫn tôi đến ngôi miếu thờ tượng đồng cạnh đình làng Trà Liên, ông Tùy cho hay, những năm chiến tranh, chùa Liễu Bông bị tàn phá, cùng với việc bị kẻ gian lấy cắp tượng, người dân Trà Liên lo sợ nên đưa tượng về cạnh đình làng, rồi lập ngôi miếu thờ tượng đồng đến ngày nay.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 3

Pho tượng đồng được đặt vững chắc trong ngôi miếu, chỉ để lộ phần trước tượng một khoảng nhỏ để người dân thắp hương. Tượng đồng được tạc ở tư thế ngồi, cao 0,62m, phần vai rộng 0,3m. Mặt tượng chữ điền, mũi cao, cằm vuông, râu dài, tai to, đội mũ quan hai lớp. Toàn thân được khoác tấm áo choàng rộng phủ từ vai xuống,...

Sau khi thắp hương khấn trước tượng đồng, cụ Nguyễn Tùy và cụ Hồ Ngọc Chun (78 tuổi, làng Trà Liên) tiết lộ về những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí xoay quanh bức tượng.

Cụ Nguyễn Tùy kể, từ khi dân làng Trà Liên thờ pho tượng đồng được cho là ngài Nguyễn Ư Dĩ, bà con luôn gặp điều may mắn, cuộc sống bình an. Trong chiến tranh, ngài đã che chở cho dân làng tránh được mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Theo cụ Tùy vào năm 1972, vùng đất Trà Liên bị bom đạn chiến tranh tàn phá, ngôi chùa Liễu Bông cũng bị đổ sập, nhưng điều ngạc nhiên là pho tượng vẫn uy nghi. Qua lần đó, người dân càng tin tưởng rằng có bậc cao nhân che chở, giúp dân tránh được mọi biến cố. Bức tượng đã nhiều lần bị kẻ gian đột nhập, lấy cắp.

Cụ Chun nhớ lại, lần thứ nhất, khoảng sau năm 1975, kẻ gian đột nhập vào chùa đánh cắp pho tượng. Ngày hôm sau, phát hiện pho tượng quý bị mất nên người dân đã tổ chức tìm kiếm. Khi tìm đến bờ sông, lúc này vào mùa hè nước cạn, bà con thấy dấu vết đào bới nên nghi ngờ rồi dùng thanh sắt chọc xuống cát và phát hiện được pho tượng.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 5

"Nhiều năm sau, kẻ gian lại tìm đến nơi thờ pho tượng để lấy cắp, nhưng chẳng hiểu vì sao, đúng lúc này trời nổi giông và mưa lớn, khiến kẻ gian không thể mang tượng ngài ra khỏi làng. Đến lúc trời sáng, người dân phát hiện pho tượng nằm trên một bãi đất trong tình trạng bị kẻ gian dùng cưa cắt bỏ hai tai mũ quan. Người dân trong làng thắp nhang rồi thỉnh ngài trở lại nơi thờ ban đầu", cụ Chun kể.

Để bảo vệ pho tượng quý, người dân làng Trà Liên đưa về thờ tại đình làng, cắt cử người trông coi. Không chỉ tìm cách đánh cắp mà cách đây khoảng 10 năm còn có một số người về làng, định đánh tráo tượng đồng. Nhưng bà con làng Trà Liên phát hiện kịp thời liền hô hào nhau vây kín khu vực này, không cho mang tượng ra khỏi làng. Những người này buộc phải xin lỗi dân làng.

"Sau nhiều lần trộm đột nhập, định đánh cắp tượng nhưng bất thành, người dân càng tin rằng tượng ngài rất linh thiêng, không muốn rời khỏi làng. Bà con trong làng luôn tôn sùng, xem tượng là hiện thân của bậc thánh nhân nên quyết tâm bảo vệ, còn dân làng thì còn tượng ngài", cụ Chun nói.

Các thế hệ dân làng Trà Liên luôn tôn quý, thờ cúng tượng với các nghi thức tâm linh, bày tỏ sự ngưỡng vọng trước các bậc tiền nhân. Vào các dịp lễ, Tết, ngày rằm… bà con trong làng đều đến thắp hương, cầu bình an, mùa màng tươi tốt. Thế hệ trẻ trong làng thường đến khấn cầu mong đỗ đạt, rồi các vị khách thập phương nghe kể chuyện về sự linh thiêng của tượng cũng đến hành lễ.

Theo cụ Nguyễn Tùy, làng Trà Liên có 5 dòng họ thay nhau trông giữ tượng. Nhờ đó mà tượng đồng được gìn giữ gần 5 thế kỷ qua. "Vào dịp rằm tháng 2, rằm tháng 6 và dịp Tết, các dòng họ tập trung tại đình làng để làm đại lễ cúng tế, cử người đứng hành lễ", cụ Tùy cho hay.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 7
Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 9

Nhằm tìm ra lời giải xác thực hơn về lai lịch của pho tượng cổ, tôi tìm đến ông Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị - là người nghiên cứu sâu về chúa Nguyễn Hoàng.

Theo ông Thọ, qua quá trình tìm hiểu, giới nghiên cứu xác định tượng đồng Trà Liên là pho tượng rất quý, phản ánh phong cách nghệ thuật thời Mạc (khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16) có ý nghĩa đặc biệt. Tượng tạc một vị quan, về tư thế ngồi, áo mặc, mũ đội… cho thấy kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật tạc tượng rất tinh xảo.

Về mặt giá trị, tượng đồng xứng đáng được công nhận bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở để khẳng định tượng đồng Trà Liên có phải là ngài Nguyễn Ư Dĩ hay nhân vật nào khác. Để chứng minh cần rất nhiều tư liệu, thời gian.

Theo ông Thọ, về nhân vật được tạc tượng là ai hiện có nhiều quan điểm. Ban đầu một số nhà nghiên cứu cho rằng, tượng đồng trên tạc Thái Phó quốc công Nguyễn Ư Dĩ - khai quốc công thần phò tá chúa Nguyễn. Quan điểm thứ 2 cho rằng, pho tượng tạc Thái thượng lão quân.

Quan điểm thứ 3 do ông Lê Đức Thọ và nhóm khảo cổ khởi xướng lại cho rằng, lập luận pho tượng Nguyễn Ư Dĩ có thuyết phục, nhưng truyền thống lúc bấy giờ, việc đúc tượng công thần phải trải qua quy định rất ngặt nghèo, liệu chúa Nguyễn có phá lệ, vượt qua rào cản ấy hay không? Còn quan điểm cho đó là pho tượng Thái thượng lão quân thì không có cơ sở. Ông Thọ cũng là người từng chủ trì cuộc khai quật các di tích liên quan đến chúa Nguyễn tại Quảng Trị.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 11

Theo đó, nhóm của ông cho rằng, nếu là pho tượng của Nguyễn Hoàng thì sẽ có cơ sở hơn. Bởi lúc ấy, Nguyễn Hoàng mới chỉ là vị quan trấn thủ xứ Thuận Quảng, sau này chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên (tức con trai Nguyễn Hoàng) nhận thấy công lao của cha mình nên đúc tượng.

"Nguyễn Phúc Nguyên khi đó đã là chúa, đúc tượng cha là Nguyễn Hoàng cũng là chúa thì có phần phù hợp với truyền thống thời bấy giờ. Nếu chứng minh được đây chính là tượng chúa Nguyễn Hoàng, với vị thế pho tượng, cùng địa điểm thờ tượng gắn với 3 lần chúa Nguyễn xây dựng thủ phủ tại Quảng Trị thì giá trị về mặt lịch sử sẽ rất cao", ông Thọ lý giải.

Tuy nhiên, theo ông Thọ cần có thời gian và tư liệu để chứng minh cho những lập luận về nhân vật lịch sử. Do đó, hiện chưa thể khẳng định đó là tượng Nguyễn Ư Dĩ.

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị, trước đây đơn vị đã lập danh mục gồm 10 hiện vật để đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận bảo vật Quốc gia. Nhưng hiện mới chỉ có 4 hiện vật được công nhận là bảo vật Quốc gia, 6 hiện vật còn lại, trong đó có tượng đồng Trà Liên vẫn chưa được công nhận. Tượng đồng Trà Liên thuộc sở hữu của tập thể, cộng đồng làng, xã, do đó để trở thành bảo vật Quốc gia cần trải qua nhiều bước với nhiều thủ tục khá phức tạp.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 13

Tháng 9/2013, tại huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng Trị - đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng", nhân kỷ niệm 455 năm chúa Nguyễn Hoàng xây dựng dinh phủ tại đất Triệu Phong, Quảng Trị.

Theo các tài liệu khoa học được công bố, năm 1558, lúc Nguyễn Hoàng lên 34 tuổi, ông đã chọn vùng đất Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để lập dinh, mở đầu thời kỳ khai phá ở Đàng Trong. Khi đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào đến Ái Tử, người dân địa phương đã đón tiếp quan trấn thủ rất trang nghiêm. Dân tình nơi này rất nghèo khổ, nên quà dâng lên chỉ có 7 chiếc vò lớn đựng đầy nước mưa.

Cậu ruột cũng là người phò tá Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Dĩ bàn rằng đến trị nhậm một vùng đất mới mà được dân tình dâng nước là điềm đại cát.

Nguyễn Hoàng đã đóng dinh ở Triệu Phong trong vòng 68 năm (1558 - 1626), vì chính sách cai trị của ông được lòng dân nên được người dân suy tôn là "Chúa Tiên", trong đó công lao của Nguyễn Ư Dĩ rất lớn.

Pho tượng đồng cổ gần 500 năm và ly kỳ câu chuyện 2 lần bị đánh cắp - 15

5 năm sau, nhân kỷ niệm 460 năm chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (1558 - 2018), Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn tại Triệu Phong được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia.