Phó Thủ tướng: Xử nghiêm cán bộ tiếp tay buôn lậu, trốn thuế
(Dân trí) - Chiều 29/12, tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với cán bộ lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng đã nêu bật vấn đề khiến dư luận quan tâm về xử lý cán bộ vi phạm.
Cho biết về tình hình phòng chống buôn lậu tuy đã có những giải pháp mang tính hiệu quả nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại gây nên tình trạng khó kiểm soát, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe đại diện Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải Quan, Công an… báo cáo về tình hình thực tế đối mặt với “nạn” buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới
Trao đổi với báo chí về các thủ đoạn tinh vi mà các chủ hàng lậu thực hiện, Đồn phó Đồn biên phòng Quốc tế Hữu Nghị Vũ Huy Phước cho hay, để tránh bị khởi tố hình sự, các đối tượng vận chuyển hàng lậu đã thực hiện các biện pháp rất tinh vi bằng việc bóc tách lượng hàng vận chuyển. Ví dụ cụ thể như các chủ hàng thuê các cửu vạn trẻ em vận chuyển mỗi em dưới 10kg pháo. Đặc biệt, vì làm thuê nên người vận chuyển không biết đó là pháo nên không xử lý hình sự được, do chủ hàng đã “bỏ của chạy lấy người”.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Tiến Bộ - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị - cho biết, vào thời điểm này, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi hơn, phương thức hoạt động thường xuyên thay đổi với nhiều diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của ông Vi Văn Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - năm 2013, trong tổng số 18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển Kinh tế - xã hội được tỉnh đề ra, có 17 chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá 8,77%; tổng thu ngân sách đạt 3639 tỷ đồng (đạt 100,9% dự toán); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2358 triệu USD (tăng 12,9% so với cùng kỳ); ngành nông - lâm nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định và từng bước cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Công tác đấu tranh phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, không để tình hình tội phạm có tổ chức. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm mạnh theo cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giảm 12%, số người chết giảm 8,5%, bị thương giảm 8,6%).
Về vấn đề phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhìn chung, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu năm 2013 đã giảm nhiều cả về số lượng, quy mô, giá trị hàng hóa so với năm 2012 và những năm trước, không để hình thành những đường dây, tụ điểm lớn về buôn lậu trên địa bàn tỉnh. Việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu chỉ diễn ra nhỏ lẻ tại một số đường mòn thuộc khu vực Chi Ma (huyện Lộc Bình); thị trấn Đồng Đăng, xã Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) và khu vực Nà Nưa (huyện Tràng Định).
Tính đến hết tháng 11/2013, các lực lượng chức năng đã xử lý 1125 vụ buôn lậu hàng hóa các loại, giảm 22,2% so với cùng kỳ; trị giá hàng hóa tịch thu, thu phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế 22,4 tỷ đồng, bằng 68,8% so với cùng kỳ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Lạng Sơn về những kết quả khá toàn diện trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng yêu cầu sang năm 2014, tỉnh Lạng Sơn cần phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Đồng thời thực hiện chiến lược dân tộc, thực hiện công tác biên giới, hòa bình, hữu nghị, thân thiện.
Riêng với công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để công tác này đạt hiệu quả, trước hết cần phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị trong triển khai thực hiện.
Một khó khăn thường trực khác trong công tác chống buôn hiện nay địa phương đang phải phải đối mặt và cũng là một kẽ hở để các đối tượng chủ buôn lậu, đầu nậu lợi dụng để tổ chức buôn lậu là chính sách 254 (Chính sách Biên mậu cư dân 2 nước gần biên giới). Cụ thể, theo chính sách 254, mỗi công dân ở khu vực biên giới giáp ranh 2 nước được quyền đi lại qua nhau để mua hàng hoá với trị giá không quá 2 triệu đồng theo quy định. Thế nhưng, lợi dụng việc này, các đầu nậu đã thuê rất nhiều cửu vạn vùng biên sang bên kia để thực hiện việc vận chuyển, xé lẻ mang về Việt Nam để tập kết, mang hàng lậu đi tiêu thụ… |
Quốc Đô