Phó Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc để rót tiền làm đường sắt đô thị TPHCM
(Dân trí) - Ngày 16/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát dọc tuyến đường sắt số 1 Bến Thành- Suối Tiên, chỉ đạo và đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị TPHCM. Phó Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ để giải ngân, xác định quy chuẩn, công nghệ phù hợp cho từng tuyến.
Giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến kiểm tra quá trình thi công ga Nhà hát thành phố thuộc gói thầu 1b. Gói thầu này bao gồm xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát thành phố đến ga Ba Son với 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315 m. Thi công từ tháng 8/2014, hiện nay nhà thầu đã thi công 109 tường vây xung quanh, rộng 1,5 m và sâu 36 m, khối lượng công việc đã hoàn thành 10%. Hiện công trường thi công gói thầu 1b đã có trên 1 triệu giờ lao động an toàn. Trong khi đó, ga ngầm Ba Son mới bắt đầu thi công tường dẫn, tường vây.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết trước đây trong quá trình thi công đường Nguyễn Huệ không tính được việc xuất hiện mạch nước ngầm nên xảy ra tình trạng sụt lún, sau đó phải gia cố. Trong khi đó, thi công ga Nhà hát thành phố chỉ cách đó vài chục mét, nên về địa chất không thể chủ quan. Quá trình thi công phải khảo sát rất kĩ và đưa ra các phương án xử lý khi gặp sự cố. Để đảm bảo an toàn cho cho các công trình trong khu vực, hơn 200 điểm quan trắc được bố trí để theo dõi sự sụt lún, chuyển vị của công trình này để kịp thời xử lý khi gặp sự cố.
Trong khi đó, gói thầu 1a, bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm metro dài 515m, đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán và hồ sơ mời thầu. Sau khi được UBND TP xem xét, phê duyệt sẽ tiến hành đấu thầu vào quý III/2015.
Còn gói thầu số 2, xây dựng đoạn trên cao và Depot dài hơn 17km đã hoàn thành được 36% khối lượng công việc, bao gồm công tác đúc dầm, lắp dầm, thi công cầu cạn và 11 ga.
Ông Nguyễn Hữu Tín nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã vượt qua. Vấn đề giải phóng mặt bằng hoàn thành từ tháng 3/2015 nên thuận lợi cho công tác thi công. Hiện quá trình thi công được thực hiện đúng tiến độ. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2020. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép sơ kết để rà soát lại toàn bộ những công việc đã làm thời gian qua liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách, cơ chế phối hợp của các đơn vị và bên liên quan... để rút kinh nghiệm cho những công trình khác.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị thành phố tìm cách rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục để đẩy nhanh quá trình thi công gói thầu 1a, sớm đưa vào khai thác đồng bộ năm 2020. "Khai thác một tuyến metro đã không hiệu quả. Nếu chỉ khai thác một một đoạn từ Suối Tiên về cầu Sài Gòn thì càng không đạt hiệu quả", ông Đông nhấn mạnh.
Tuyến metro số 2 có nguy cơ trễ hẹn 3 năm vì đội vốn
Về tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, ông Bùi Xuân Cường – Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố - cho biết dự án được phê duyệt với tổng mức vốn là 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, do ảnh hưởng của yếu tố trượt giá, chi phí tài chính, chi phí xây dựng nên tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2,1 tỷ USD.
Trước tình hình này, các nhà tài trợ nước ngoài đã đồng ý bổ sung cho dự án 720 triệu USD. Vì số tiền hơn 10.000 tỷ đồng nên phải trình Quốc hội thảo luận thông qua. Nếu làm đúng quy trình này thì thời gian sẽ kéo dài, đồng thời các bước phải tiến hành lại.
Do đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn dự án thay cho việc trình Quốc hội.
Đồng ý kiến trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh vốn để tiết kiệm thời gian. “Quốc hội họp mỗi năm chỉ 2 lần, trong khi đó nếu chậm 1 năm thì tổng mức đầu tư lại bị đội thêm 5 – 7%”, ông Nguyễn Ngọc Đông lo ngại dự án lại đội vốn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nếu không cố gắng, quyết đoán thì sẽ không bao giờ có tuyến metro số 2. Nếu lưỡng lự sẽ bị trượt rất nhanh và sẽ rơi vào cảnh “con kiến mà leo cành đa”. Hiện nay dự án đang quá trình chuẩn bị đấu thầu nếu quay lại từ đầu chuẩn bị khâu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi rồi theo thủ tục phải trình Chính phủ, rồi lên Quốc hội thì phải mất 3 năm. Như vậy, thành phố cứ tiếp tục thực hiện dự án này như đã làm với tuyến 1 trước đây. Trong quá trình làm phải chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh để trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ của toàn tuyến metro 2 (từ Thủ Thiêm đến bến xe Tây Ninh) để báo cáo Quốc hội chứ không được cắt khúc, bởi Quốc hội chỉ xem xét toàn bộ dự án chứ không xem “liên khúc”.
Qua buổi thị sát, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao quyết tâm của TPHCM trong việc thực hiện tuyến metro số 1, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề hiện nay là thi công phải đảm bảo an toàn con người và an toàn công trình. Thành phố có địa chất phức tạp, khu vực thi công dự án lại có nhiều công trình, nhà ở… nên đòi hỏi phải tuyệt đối an toàn. Về công tác giải ngân cho nhà thầu còn chậm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tháo gỡ cho thành phố để không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành điều chỉnh cơ sở pháp lý về vấn đề điều chỉnh dự án, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước xúc tiến dự án đầu tư tuyến metro số 5 để trình Quốc hội theo đúng quy định vào tháng 10 tới đây.
Quốc Anh - Phương Thảo