DNews

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch

Thái Bá

(Dân trí) - Để Ninh Bình sớm thành thành phố Trung ương, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tỉnh cần phát huy tối đa tiềm năng du lịch, lợi thế vị trí, văn hóa địa phương để trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch

Xây dựng "Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Những chỉ đạo trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ tại lễ công bố thành lập thành phố Hoa Lư và công nhận thành phố Hoa Lư là đô thị loại I, được tỉnh Ninh Bình tổ chức tối 19/1.

Theo Phó Thủ tướng, để tỉnh Ninh Bình sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị bền vững được đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố thành lập thành phố Hoa Lư và công nhận thành phố Hoa Lư là đô thị loại I (Ảnh: Thanh Bình).

Bên cạnh đó, Ninh Bình cần đặt trong mối quan hệ với các địa phương trong vùng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022), Bộ Chính trị ban hành về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình cần triển khai ngay các nội dung quan trọng để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Trong đó, trọng tâm xây dựng, phát triển thành phố Hoa Lư (vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư) trở thành "Đô thị di sản thiên niên kỷ".

"Thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh thứ 19 trong cả nước, thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Hồng và là thành phố di sản trực thuộc tỉnh đầu tiên, duy nhất của cả nước đến nay.

Có thể khẳng định, đây là kết quả của tư duy, tầm nhìn đột phá chiến lược; quá trình triển khai, tổ chức thực hiện bài bản, đồng bộ, kiên trì và sự đồng lòng, thống nhất, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình qua nhiều nhiệm kỳ", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ trao các quyết định cho lãnh đạo thành phố Hoa Lư (Ảnh: Thanh Bình).

Phát huy tối đa tiềm năng

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình cần xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm đặt ra đối với thành phố Hoa Lư - thành phố vừa được thành lập. Để từ đó xác định rõ được quy mô, tầm vóc lớn hơn, là hạt nhân quan trọng trong quá trình thúc đẩy đô thị hóa, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

"Ninh Bình cần có kế hoạch cụ thể, khả thi, vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng tốt chức năng quản lý nhà nước, nhất là các nhiệm vụ về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vì cuộc sống bình yên của người dân. Tập trung tuyên truyền tạo sức bật, lan tỏa quyết tâm, khí thế ngay từ những ngày đầu thành phố đi vào hoạt động", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch - 3

Vẻ đẹp toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng).

Ông Trần Hồng Hà yêu cầu Tỉnh ủy Ninh Bình cần chủ động khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, giải phóng mọi nguồn lực, tập trung xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành phố "Di sản thiên niên kỷ"

Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình cần giữ gìn, bảo tồn, phát huy với tiêu chuẩn cao nhất các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Từ đó, nghiên cứu, nhận diện, làm rõ hơn những giá trị đặc trưng của văn hóa cố đô như: Tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, nghệ thuật, tập quán, sinh hoạt, đặc biệt là các giá trị văn hóa phản ánh tư tưởng, sắc thái, bản tính làm nên hồn cốt, phẩm chất tốt đẹp của con người Hoa Lư.

Đặc biệt, thành phố Hoa Lư phải kết hợp nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa cố đô, văn hóa, lối sống Tràng An với văn hóa thời kỳ mới để xây dựng, phát triển con người Hoa Lư "thanh lịch, thân thiện, mến khách"  để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch - 4

Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư, Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Song song với đó, thành phố cần nhanh chóng phục dựng các di sản kiến trúc cung điện, lăng tẩm, tường thành Hoa Lư; hình thành nhiều hơn các không gian văn hóa cố đô - biểu tượng của vùng đất ngàn năm văn hiến; khôi phục nhiều hơn các lễ hội, làng nghề truyền thống, các hoạt động diễn xướng, truyền thuyết, dân ca, trò chơi dân gian, bài thuốc, món ăn có nguồn gốc xưa, cổ để làm giàu đời sống tinh thần của người dân.

"Xây dựng thành phố đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái, phát triển đô thị trong điều kiện khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, bảo đảm cảnh quan, môi trường, sáng, xanh, sạch, đẹp vì sức khỏe nhân dân, bảo vệ di sản, phát triển du lịch. Phát huy tối đa tiềm năng to lớn về du lịch, lợi thế về vị trí, văn hóa của địa phương để Hoa Lư trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế. Đặc biệt phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa như phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản với các hình thức: công viên hóa di sản, tài sản hóa di sản, phim trường hóa di sản.

Phó Thủ tướng: Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch - 5

Du khách tham quan di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Bên cạnh đó, tỉnh cần hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện giải pháp phát triển du lịch bền vững ở điểm đến di sản để đạt mục tiêu kép: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó, giải quyết hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân - du khách trong phát triển du lịch. Trọng tâm là bảo đảm lợi ích chính đáng của các chủ thể, trên nguyên tắc: Nhà nước, cơ quan nhà nước ban hành cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư; doanh nghiệp huy động nguồn lực đầu tư, tôn tạo, phát triển sản phẩm, kinh doanh du lịch, tạo công ăn việc làm, nộp thuế nhà nước; người dân có công ăn, việc làm, phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ, sử dụng cơ sở hạ tầng, được sống trong môi trường tốt, cảnh quan đẹp; du khách thực sự được hưởng các dịch vụ tương ứng với chi phí bỏ ra.