Phó thủ tướng lên bục giảng
“Lớp này rất khó giảng bởi các thày cô ngồi đây toàn giáo sư, tôi đứng ở đây cũng hơi dũng cảm. Nếu sai, các thầy có thể sửa”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cười tươi, bắt đầu buổi học tại lớp bồi dưỡng hiệu trưởng, tối 28/8.
Sau phiên họp thường kỳ Chính phủ kết thúc chiều muộn, Giáo sư Nhân cho biết, ông chỉ kịp ăn một bát phở, trước khi đến lớp học lúc 19h.
Học viên của lớp đa phần là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của 35 trường. Trong hơn 90 phút, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT giảng giải cho học viên về “Sứ mạng và những bài toán của giáo dục ĐH Việt Nam đầu thế kỷ 21”. Tài liệu của buổi học là 6 mặt giấy viết tay do chính ông biên soạn.
“Giáo dục để làm gì? Nói nôm na là để làm người. Đó là những công dân tốt sống trong đầu thế kỷ 21. Sau 12 năm, họ phải tự hào là người Việt Nam, hiểu văn hóa Việt Nam”, Phó thủ tướng mở màn cho phần bài giảng.
Theo ông, học sinh tốt nghiệp phổ thông phải có năng lực tự học và tự tìm thông tin. Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục phải trả lời câu hỏi: Ở lớp mấy, bao nhiêu tuổi thì các em có thể tự học? Tốt nghiệp đại học, trung cấp mà không có khả năng hành nghề thì đó là sự lãng phí rất lớn. Cái đích của giáo dục sau phổ thông không phải là bằng cấp mà là năng lực hành nghề.
“Nước mình còn lâu mới bằng thu nhập nước ngoài nhưng đa phần người dân vẫn hạnh phúc. Ông cha ta mấy nghìn năm rất nghèo, đi chân đất nhưng vẫn vui. Nên chăng cũng đưa mục tiêu mỗi công dân phải biết làm cho mình và người khác hạnh phúc vào sứ mạng giáo dục”, ông Nhân nói.
4 bài toán quốc gia cho giáo dục ĐH
“Bài toán quốc gia là một nước nghèo như Việt Nam làm sao phát triển nhanh? Thầy cô phải giải 4 bài toán: Vì sao Việt Nam, nước rất nghèo đi chân đất nhưng lại thắng Pháp, Mỹ, những nước rất giàu? Làm thế nào để tạo động lực cho giáo dục phát triển? Sử dụng nguồn lực cho hiệu quả? Tăng nguồn lực cho giáo dục?”, Bộ trưởng giáo dục nhíu mày trước bài toán khó.
Các hiệu trưởng, hiệu phó chăm chú nghe giảng, ghi bài.
Phó thủ tướng khẳng định, không có chuẩn nhà giáo thì hệ thống giáo dục không thể phát triển được. Năm nay, sinh viên sẽ được quyền đánh giá thầy giáo. Ở Mỹ, nếu 80% sinh viên không đánh giá thì giáo viên đó “có vấn đề”. Bên cạnh đó, các ĐH nghiên cứu phải có quy chế nghiên cứu khoa học. Ở Singapore, sau 1-2 năm giảng viên không có đề tài nghiên cứu phải ra khỏi trường, áp lực này vô cùng lớn.
Cũng theo ông Nhân, nền kinh tế cần 15-20% lao động trình độ cao thì chỉ cần đào tạo đủ số người đó. Nhu cầu doanh nghiệp phân tầng nên hệ thống đào tạo cũng phải phân tầng tương ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Trong 100 ĐH, chỉ cần 20-25 trường có trình độ thật cao, còn lại chỉ cần trình độ vừa phải nhưng đào tạo đúng nhu cầu thì sinh viên vẫn có việc làm.
“Khi chuẩn bị bài giảng này, tôi có một suy nghĩ. Sau khi tốt nghiệp ĐH và đi làm, không ai cấm chúng ta mở sách để thiết kế một cái máy hay giải một bài toán kinh tế. Vậy tại sao ở bậc ĐH chúng ta lại cấm mở sách khi thi? Hãy đào tạo như môi trường đi làm. Mình giao bài toán để các em giải quyết vấn đề chứ không phải yêu cầu các em chép lại những định nghĩa đó”, Phó thủ tướng đặt vấn đề.
Ông cho rằng, trong giáo dục ĐH, đặc biệt là những môn kỹ thuật, nên từng bước chuyển sang hình thức thi cho mở sách và thầy giáo phải biết ra đề để học sinh vận dụng. “Cuộc sống không bắt học trò học thuộc lòng. Thi mà hỏi điều trong sách viết 100% thì cuộc sống không cần. Trong giảng dạy đại học, hạn chế ra đề thi hỏi điều có sẵn trong sách”, ông Nhân nói.
Khóa bồi dưỡng hiệu trưởng các ĐH Việt Nam do Bộ GD&ĐT phối hợp với ĐH Ritsumeikan Nhật Bản tổ chức. Sau một số buổi học với các vụ trưởng và lãnh đạo Bộ, cuối tuần này, 35 hiệu trưởng, hiệu phó các trường sẽ sang Nhật tập huấn 2 tuần.
Ông Nguyễn Thiện Nhân sinh năm 1953, quê Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sĩ điều khiển học. Ông từng là Hiệu phó, giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM. Ngày 2/8, ông được Quốc hội khoá XII phê chuẩn làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ông Nhân là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XII. |
Theo Tiến Dũng
VnExpress