1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: Đến năm 2025 phải xong đường Vành đai 3 TPHCM

Quốc Anh

(Dân trí) - Đường Vành đai 3 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, dài hơn 98km, đi qua các địa phận của TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và tỉnh Long An. Tuy nhiên, hiện chỉ mới đưa vào khai thác 1 đoạn dài 16,3km.

Ngày 14/5, tại TPHCM, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương để đẩy nhanh dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM.

Phó Thủ tướng: Đến năm 2025 phải xong đường Vành đai 3 TPHCM - 1

Đã hơn 10 năm nhưng đường Vành đai 3 chỉ mới đưa vào khai thác 1 đoạn dài 16,3km là đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, trùng với cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (ảnh: Nguyễn Quang).

Đã hơn 10 năm nhưng đường Vành đai 3 chỉ mới đưa vào khai thác 1 đoạn dài 16,3km. Đó là đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn), trùng với cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (do Bình Dương đầu tư), đã hoàn thành và đưa vào khai thác với quy mô 6/10 làn xe.

Còn đoạn 1 dài hơn 34km, với 4 dự án thành phần, trong đó, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B - Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), 1B (Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức), dự kiến khởi công trong quý 3/2021.

Phó Thủ tướng: Đến năm 2025 phải xong đường Vành đai 3 TPHCM - 2

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho biết muốn đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3 cần xác định rõ cơ quan thẩm quyền giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, dự án 1A (dài 8,7km) có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng lên 1.600 tỷ đồng, trong khi trước đây chỉ 148 tỷ đồng. Thành phố sẽ cố gắng giải phóng mặt bằng đoạn này để triển khai thi công.

Đoạn 3 (Bình Chuẩn - Quốc lộ 22) là điểm kết nối đầu tuyến quan trọng của cao tốc TPHCM - Mộc Bài; đoạn 4 kết nối từ Quốc lộ 22 đến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hai đoạn này có tổng chiều dài 48km.

Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ 2 đoạn này cần xác định rõ cơ quan thẩm quyền giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Nếu triển khai hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thì có thể xin Trung ương nguồn vốn để đầu tư xây lắp.

Trong khi đó, đại diện các địa phương có dự án đi qua, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận, ưu tiên đầu tư 2 dự án nói trên bằng nguồn ngân sách Trung ương.

Riêng với dự án đường Vành đai 2, tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng 4,7km đi qua địa bàn; tỉnh Bình Dương đảm nhận chi phí xây lắp khoảng 150 tỷ đồng phần 2,16km thuộc dự án thành phần 2B.

Phó Thủ tướng: Đến năm 2025 phải xong đường Vành đai 3 TPHCM - 3

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng nếu làm tốt khâu giải phóng mặt bằng thì dự án Vành đai 3 mới hoàn thành năm 2025 như dự kiến.

Về khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để ra nghị quyết giao tỉnh thành có thẩm quyền giải phóng mặt bằng khi dự án đi qua địa phương. Do đó, nơi nào làm chậm sẽ phải chịu trách nhiệm. Do vậy, ngay lúc này địa phương cần chuẩn bị giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các dự án thành phần cần tách dưới 10.000 tỷ đồng cho dễ thực hiện. Nếu làm tốt khâu giải phóng mặt bằng thì dự án mới hoàn thành năm 2025 như dự kiến.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, điểm nghẽn phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM là kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các địa phương lân cận, trong đó có 2 dự án Vành đai 3, 4.

Theo ông, các địa phương cần chủ động triển khai dự án, đối với những đoạn ngắn nhưng quỹ đất 2 bên đường nhiều thì có thể đầu tư bằng ngân sách địa phương, sau đó bán đấu giá đất hoàn lại và tái đầu tư hạ tầng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh 2 tuyến vành đai có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp sự phát triển chung của khu vực cũng như cả nước.

Phó Thủ tướng: Đến năm 2025 phải xong đường Vành đai 3 TPHCM - 4

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến năm 2025 phải xong Vành đai 3.

Ông đề nghị các bộ ngành cần phải hướng dẫn các địa phương lập phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để đến tháo gỡ vướng mắc, cần thiết sẽ kiến nghị sửa luật trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội để triển khai nhanh dự án.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, các địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, các dự án sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là đối tác công tư (PPP).

Ông Trương Hòa Bình cũng lưu ý, triển khai xây dựng Vành đai 3, Vành đai 4 cần tính toán đến việc không sử dụng đất rừng, hạn chế qua đất đô thị để đỡ tốn kém chi phí giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tính toán khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền phục vụ lại dự án.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đến năm 2025, phải xong Vành đai 3, còn Vành đai 4 cần phải làm sớm".

Tuyến Vành đai 4 với chiều dài khoảng 198km, đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Long An, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo TPHCM hôm 13/5, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4, trong đó có tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng.

Trong khi đó, tuyến Vành đai 2 TPHCM (được quy hoạch từ năm 2007) dài hơn 64km (với quy mô từ 6-10 làn xe), hiện mới đưa vào khai thác 50km.

Không chỉ riêng đoạn thứ 3 dài 2,7km đang phải "đắp chiếu" sau 5 năm động thổ vì gặp khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, 3 đoạn khác chưa được triển khai.