1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân gây sạt lở đất rừng

Quang Phong

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nguyên nhân chủ quan gây sạt lở đất có tình trạng phá rừng ảnh hưởng đến việc giữ nước và việc xây dựng công trình làm thay đổi địa hình...

Chiều ngày 6/11, trả lời các câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đợt mưa lũ kéo dài cùng với cơn bão số 9 (cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây) vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người dân, của nhà nước.

Phó Thủ tướng cho biết, đợt thiên tai này nhận được sự quan tâm chia sẻ của cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt là ý kiến chia sẻ của nhiều vị đại biểu Quốc hội về những nỗ lực của hệ thống chính quyền trong phòng chống thiên tai; những tồn tại và nguyên nhân, giải pháp cần phải làm trong thời gian tới để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Theo Phó Thủ tướng, sạt lở đất có nguyên nhân do chất lượng rừng không cao, tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, đặc biệt là tình trạng phá rừng lấy gỗ xây nhà, trong khi đó việc trồng rừng thay thế chưa được kiểm soát chặt chẽ, từ đó, đã ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ.

Phó Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân gây sạt lở đất rừng - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bên cạnh đó việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực miền núi như các công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất.

“Các tuyến đường giao thông miền núi khi đi kiểm tra tìm kiếm cứu nạn thì tôi thấy liên tục bị sạt lở. Mặt khác, việc xây dựng các công trình giao thông, các công trình xây dựng khác cũng gây cản trở thoát lũ làm cho lũ dâng cao”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát… tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.

Theo Phó thủ tướng việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện… nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.

Phó Thủ tướng cho biết, công trình hồ, đập thủy lợi, thuỷ điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Trước những vấn đề trên, Phó Thủ tướng cho biết, về lâu dài cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó.

Xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ.

Sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền đảm bảo tránh lũ an toàn…