Phó Thủ tướng: “Cát tặc” diễn biến phức tạp, nhiều nơi có dấu hiệu bảo kê!

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình khai thác cát, sỏi tại các dòng sông, cửa sông và cửa biển trên cả nước còn diễn biến phức tạp. Chính quyền cơ sở, công an một số địa phương chưa quyết liệt, có nơi còn có hiện tượng bảo kể cho “cát tặc”…

Chiều 27/10, tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP (Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm) và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì.

2-1445953438093

Quang cảnh hội nghị...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị...

Tại hội nghị, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ cho biết: Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trên sông và các cửa biển vẫn còn phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là các địa bàn giáp ranh chưa xác định địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường và gây sạt lở 2 bên bờ sông…

Hiện trên cả nước có khoảng 400/900 cơ sở khai thác cát sỏi trên sông và cửa biển giấy phép còn hiệu lực và 500 bến bãi trung chuyển được cấp phép. Từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện, lập biên bản xử lý 85.084 trường hợp vi phạm trong khai tác cát, sỏi, phạt tiền gần 122 tỷ đồng. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương lập chuyên án điều tra, khám phá 22 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng cảnh sát đường thủy đã phát hiện, xử phạt 386 trường hợp khai thác cát, sỏi trên sông trái phép thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Những tồn tại hạn chế nêu trên do những nguyên nhân cơ bản sau:

Do lợi nhuận lớn nên các đối tượng nói trên đã cố tình vi phạm và có nhiều phương thức thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng như: khai thác vào ban đêm hoặc gần sáng; Có tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra; Cấu kết với một số cán bộ công chức để nắm trước kế hoạch, lịch kiểm tra hoặc bỏ qua vi phạm; lợi dụng giấy phép khai thác, nạo vét để để tổ chức khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt công suất cho phép; xuất bán hóa đơn hợp thức hóa cho khối lượng cát được khai thác trái phép đem đi tiêu thụ.

Sử dụng lao động là các hộ nghèo không có nghề nghiệp ổn định để tham gia khai thác cát làm nguồn thu nhập chính để nuôi sống bản thân và gia đình gây áp lực cho công tác xử lý của cơ quan chức năng; khai thác tại các địa bàn giáp ranh giữa các địa phương khi có hoạt động kiểm tra của địa phương này thì di chuyển phương tiện khai thác sang địa bàn bên kia nhằm tránh bị kiểm tra, xử lý; có các hành vi cản trở hoặc thậm chí chống trả quyết liệt khi bị kiểm tra bắt giữ, như đánh đắm phương tiện, nhảy xuống sông để trốn thoát. Các đối tượng không chấp hành quyết định kiểm tra, điều khiển phương tiện chạy sang địa bàn thuộc tỉnh khác, gây khó khăn cho công tác trấn áp, bắt giữ, xử lý.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra: “Cát tặc là một loại tội phạm cần phải xử lý. Chính quyền cơ sở, công an địa phương chưa quyết liệt, có nơi có hiện tượng bảo kê. Tôi đến địa phương có cát tặc hoạt động và đã hỏi đồng chí chủ tịch xã có biết vấn đề này không, các đồng chí có hướng giải pháp gì, đồng chí nói không biết. Điều này là buông lỏng chứ sao, chính điều này khiến nhân dân bất bình. Xử lý không cương quyết, xử lý chỗ này lại chạy điểm kia, xử lý ban ngày lại làm ban đêm”.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương sau cuộc họp này khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông, cửa biển…; Có quy hoạch hợp lý đối với các vùng được phép khai thác; Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở hai bên bờ sông do khai thác cát, sỏi, đồng thời đảm bảo được nguồn thu phí khoáng sản. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện về tăng cường xử lý vi phạm về luật đê điều.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông, cửa biển. Bộ GTVT dừng ngay việc cấp phép các dự án nạo vét trên các lòng sông và cửa biển, tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát, sỏi trái phép.

Nguyễn Dương

 

Phó Thủ tướng: “Cát tặc” diễn biến phức tạp, nhiều nơi có dấu hiệu bảo kê! - 4