1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: Cần tận dụng từng chút thời gian trước khi bão vào

Tiến Thành

(Dân trí) - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, người dân thường có tâm lý lo thiệt hại tài sản mà không để ý đến tính mạng bản thân. Do đó, lực lượng chức năng cần rà soát kỹ, không để người dân ở lại trên tàu, thuyền.

Tối 27/9, sau khi đi kiểm tra thực tế một số khu vực ở huyện Gio Linh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì buổi họp khẩn trực tuyến với các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum về công tác phòng, chống bão số 4 (bão Noru). Cuộc họp diễn ra tại đầu cầu thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Phó Thủ tướng: Cần tận dụng từng chút thời gian trước khi bão vào - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì buổi họp khẩn trực tuyến với các tỉnh, thành miền Trung về công tác phòng, chống cơn bão số 4 (Ảnh: Tiến Thành).

Báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 118.144 hộ/402.746 người bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4. Đến 17h ngày 27/9, các địa phương đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71%.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa là bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền. Do đó, các địa phương cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những phát sinh do cơn bão gây ra.

"Làm sót cái này thì bão vào thì nguy hiểm cho người dân. Đây là nhiệm vụ số 1", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, qua kiểm tra tình hình thiệt hại do lốc xoáy gây ra tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho thấy, dù chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn còn tình huống đột xuất, bất ngờ. Mặc dù bão chưa vào nhưng lốc xoáy khiến nhiều ngôi nhà tốc mái.

Phó Thủ tướng: Cần tận dụng từng chút thời gian trước khi bão vào - 2

Theo Phó Thủ tướng, cần tận dụng từng chút thời gian còn lại trước khi bão vào để hướng dẫn người dân, không để bất cứ người dân nào ở trên tàu, thuyền, để thuyền sáng đèn... (Ảnh: Tiến Thành).

Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, qua kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng Cửa Việt vẫn còn thực trạng nhiều người dân ở lại trên tàu, thuyền. Phó Thủ tướng cho rằng, người dân thường có tâm lý lo lắng thiệt hại tài sản mà không để ý đến sức khỏe, tính mạng bản thân. Do đó các địa phương cần tận dụng từng chút thời gian còn lại để hướng dẫn người dân, không được để bất cứ người dân nào ở trên tàu, thuyền. Không để người dân bị tai nạn thương tích, nguy hiểm tính mạng vì ở trên tàu.

Phó Thủ tướng: Cần tận dụng từng chút thời gian trước khi bão vào - 3

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tình hình thiệt hại do lốc xoáy gây ra tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Ảnh: Đức Tuân).

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo một số biện pháp triển khai ứng phó với bão số 4 như: Sơ tán người dân, bố trí chỗ ở tại nơi sơ tán; tình hình vận động người dân sơ tán; chuẩn bị lương thực thực phẩm cho người dân; công tác triển khai, ứng cứu các địa phương bị chia cắt, khó khăn; các phương án ứng trực với sự cố trên biển; biện pháp thiết thực trước mắt để đối phó với cơn bão đang đến gần...

Đề nghị lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương rốt ráo kiểm tra tại các địa điểm neo đậu tàu, thuyền. Các phòng trực tuyến mở suốt đêm để kịp thời cập nhật, báo cáo tình hình bão cụ thể. 

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần chủ động phòng, chống bão của các địa phương. Công tác phòng, chống, ứng phó với bão được các địa phương chuẩn bị và triển khai rất kỹ lưỡng, các tỉnh miền Trung cũng có kinh nghiệm trong chống bão. 

Khẳng định đây là một cơn bão mạnh, khó lường, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần cố gắng hơn, không được sơ suất, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt chú trọng đến tính mạng người dân.

Trong đó rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền… nơi người dân thường xuyên bám trụ lại, vận động, đưa người dân đến nơi an toàn.

Huy động lực lượng công an, quân đội, chính quyền, làm sao bảo vệ tài sản cho người dân khu vực đã sơ tán; với khu vực chịu ảnh hưởng của bão, các địa phương cần triển khai lực lượng ứng cứu, bảo vệ tài sản người dân.

Đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập, đường điện, bệnh viện, đê biển, cần ứng trực để có giải pháp kịp thời trong mọi tình huống. Chú trọng bảo vệ, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Tại các tỉnh ảnh hưởng trực tiếp từ bão có thể cấm, hạn chế người dân ra đường để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Dòng sự kiện: Bão Noru