1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Cục trưởng của Philippines chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với bão, lụt

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ông Markus V. Lacanilao, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự phụ trách các vấn đề công cộng Philippines, đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí về kinh nghiệm ứng phó với thiên tai ở quốc gia này.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 (AMMDM), diễn ra sáng 12/10, tại Quảng Ninh, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Markus V. Lacanilao, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự phụ trách các vấn đề công cộng của Philippines, về kinh nghiệm ứng phó với thiên tai.

Phó Cục trưởng của Philippines chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với bão, lụt - 1

Ông Markus V. Lacanilao, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ dân sự phụ trách các vấn đề công cộng của Philippines, trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Nguyễn Dương).

Chuẩn bị sẵn các túi đồ và bộ sinh tồn khẩn cấp

Được biết, hàng năm Philippines phải hứng chịu nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với thiên tai nói chung và bão, áp thấp nhiệt đới nói riêng?

- Chúng tôi đã gánh chịu khá nhiều thảm họa lớn sau bão Haiyan. Nhưng chúng tôi đã rút ra những bài học từ cơn bão đó và áp dụng chúng để cải thiện các chiến lược, phương pháp quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (DRRM).

Chúng tôi đã hứng chịu 4-5 siêu bão kể từ năm 2013, nhưng hậu quả không tàn khốc như Haiyan, vốn khiến hơn 6.000 người thiệt mạng.

Nhờ thực hiện các biện pháp chủ động dưới đây mà chúng tôi đã giảm nhẹ được thương vong.

Chúng tôi đã giáo dục công chúng về các mối nguy hiểm. Các cộng đồng bị ảnh hưởng luôn được tư vấn và khuyến khích hợp tác với giới chức địa phương, cũng như chú ý tới các cảnh báo và tư vấn. Họ cũng được khuyến cáo nên chuẩn bị sẵn các túi đồ và bộ sinh tồn khẩn cấp.

Chúng tôi cũng triển khai các xe cung cấp thông tin tại các khu vực khác nhau trên khắp đất nước. Điều này nhằm giáo dục các cộng đồng, ngành giáo dục và các cơ sở khác về các mối nguy hiểm mà họ đang đối mặt và nên chuẩn bị như thế nào cho các tình huống đó.

Chúng tôi không ngừng đầu tư vào hiện đại hóa trong phòng, chống thiên tai. Chúng tôi đã có các ứng dụng trên web và di động khác nhau nhằm tăng cường các cơ chế trong cảnh báo.

Chúng tôi có các tin nhắn cảnh báo và cảnh báo khẩn cấp (EAWM) tới người dân. Cơ chế này được phối hợp với các công ty viễn thông. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi gửi cảnh báo tới các khu vực ảnh hưởng bởi các mối nguy hiểm.

Ví dụ, khi xảy ra nguy cơ bão hoặc hiện tượng thời tiết xấu, chúng tôi cảnh báo các cộng đồng để đề phòng các vụ lở đất, ngập lụt và gió mạnh. Các tin nhắn này được gửi tới người sử dụng điện thoại di động.

Chúng tôi cũng tận dụng các nền tảng mạng xã hội để phát đi các cảnh báo. Chúng tôi công bố các thông tin, giáo dục và truyền thông hoặc phát tài liệu IEC để cảnh báo công chúng.

Đồng thời, chúng tôi cải tiến các hệ thống cảnh báo sớm, kết hợp công nghệ hiện đại (tin nhắn văn bản, còi báo động cộng đồng) và các hoạt động cảnh báo tại địa phương (chuông, cảnh báo từng nhà do các xã thực hiện).

Phó Cục trưởng của Philippines chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với bão, lụt - 2

Người dân TP Tacloban, tỉnh Leyte, Philippines ngày 10/11/2013 trở về trong cảnh đổ nát hoang tàn sau bão Haiyan (Ảnh: AFP).

Giải pháp thứ 2 chúng tôi áp dụng các biện pháp sơ tán đề phòng. Chúng tôi tiến hành các đánh giá rủi ro trước thảm họa. Trong đó, các cơ quan khoa học và các nhà quản lý thảm họa thảo luận diễn biến dự báo của bão, đường đi và sự tác động tiềm tàng đối với các cộng đồng dựa trên thực địa và các cân nhắc khác.

Từ đó, chính quyền áp dụng các biện pháp can thiệp theo khu vực cụ thể liên quan đến các mối nguy hiểm do bão gây ra như lũ lụt, lở đất...; phân bổ nhân lực và thiết bị tìm kiếm cứu nạn, các hoạt động thông đường, hỗ trợ cứu trợ.

Sự ứng phó của chúng tôi được dẫn dắt bởi lời kêu gọi của Tổng thống về một cách tiếp cận khoa học và trên cả nước. Tất cả các lĩnh vực của xã hội đều phải tham gia để đóng góp vào nỗ lực cứu hộ và bảo toàn tính mạng thông qua sự đóng góp dự trên kiến thức và chuyên môn của họ.

Là một phần trong nỗ lực ứng phó với các mối nguy hiểm đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn bão, Cơ quan quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa quốc gia - cơ quan cao nhất về DRRM tại Philippines - chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp ứng phó chuẩn bị khẩn cấp.

Tài liệu ứng phó này bao gồm hướng dẫn về các hành động cần phải được các cơ quan chính phủ khác nhau và các đơn vị chính quyền địa phương (LGU) thực hiện trước khi bão đổ bộ và trong quá trình ứng phó.

Chúng được phân loại dựa trên mức độ rủi ro tùy vào từng khu vực cụ thể: Đề phòng rủi ro rất thấp; Alpha đối với rủi ro thấp; Bravo đối với rủi ro vừa phải; Charlie đối với rủi ro cao.

NDRRMC quy định những mức độ nào sẽ được các đối tác khu vực và các đơn vị chính quyền địa phương thực hiện.

Chính phủ Philippines tiếp tục thực hiện các hệ thống, cơ chế, cách thức và chính sách đã được thiết lập mà chúng tôi thấy thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến và tìm kiếm các đổi mới về công nghệ, đặc biệt là các biện pháp thực sự mang lại tác động lâu dài.

Chính phủ Philippines cũng tiếp tục tăng cường Cơ quan quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa quốc gia thông qua cách tiếp cận trên quy mô toàn quốc.

Điều này có nghĩa là cần đẩy mạnh sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, lĩnh vực tư nhân và các lĩnh vực khác trong tất cả các khía cạnh của DRRM đang được thực thi.

Phó Cục trưởng của Philippines chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với bão, lụt - 3

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 (AMMDM) (Ảnh: Nguyễn Dương).

Mỗi năm hứng chịu khoảng 20 cơn bão, trong đó 4-5 cơn có sức tàn phá lớn

Phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, vậy người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng họ chống chọi và được chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr rất quan tâm tới việc đảm bảo rằng người dân địa phương phải được chuẩn bị đầy đủ và được hỗ trợ đầy đủ trong trường hợp khẩn cấp.

Chúng tôi thực hiện các hoạt động quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi còn nâng cao năng lực của các đơn vị chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của thảm họa thông qua các biện pháp can thiệp mang tính công trình và phi công trình.

Biện pháp công trình và phi công trình được thực hiện kiểm soát lũ lụt, di dời địa điểm, gia cố và trang bị thêm công trình, nạo vét và dọn dẹp đường thủy, trồng rừng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng như xây dựng các địa điểm sơ tán chuyên dụng, thường xuyên kiểm tra các nguồn cung cứu trợ để triển khai nhanh chóng.

Điểm sơ tán chuyên dụng được vận hành với cơ chế hỗ trợ hậu cần đáng tin cậy, tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn của cả lực lượng ứng phó địa phương, quốc gia cũng như các đơn vị tình nguyện.

Ông có thể cho biết trung bình mỗi năm ở đất nước ông hứng chịu bao nhiêu cơn bão, áp thấp nhiệt đới và con số thiệt hại về người, tài sản như thế nào?

- Philippines đối mặt trung bình khoảng 20 cơn bão mỗi năm, trong đó 4-5 cơn bão có sức tàn phá rất lớn. Thiệt hại ước tính thường lên tới hàng triệu USD trong các lĩnh vực khác nhau: nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và kinh doanh.

Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được mục tiêu không có thương vong trong thiên tai. Do đó chúng tôi thực hiện các biện pháp chủ động dựa trên cơ sở khoa học để hạn chế tối đa tác động bất lợi của các mối nguy hiểm đối với người dân.

Những biện pháp này bao gồm: Đánh giá rủi ro trước thảm họa, sơ tán trước, bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực ứng phó, cơ chế hỗ trợ kinh phí để ứng phó nhanh, các hệ thống cảnh báo sớm, và các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm chuẩn bị cho cá nhân và cộng đồng trước các thảm họa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!