1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Ban Tiếp công dân Hà Nội lên tiếng về việc ghi âm, ghi hình phải “xin phép”

(Dân trí) - Ông Lê Đình Cung - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tiếp Công dân TP Hà Nội khẳng định không cấm người dân ghi âm, ghi hình, mà chỉ đề nghị trước khi làm việc đó thì cần có sự trao đổi và được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân. “Quy định mang tính chất hướng đến bầu không khí làm việc tốt thôi”- ông Cung nói.

Trước những phản ứng trái chiều của dư luận về Quyết định số 12/QĐ-UBND mới được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, trong đó có quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, ông Lê Đình Cung - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 9/1.

 

Phó Ban Tiếp công dân Hà Nội lên tiếng về việc ghi âm, ghi hình phải “xin phép” - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại một buổi tiếp công dân.

 

-Phóng viên: Thưa ông, là những người tham mưu cho lãnh đạo thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND gây nhiều tranh cãi, ông đánh giá nội quy “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” như thế nào?

+Ông Lê Đình Cung: Tôi cho rằng quy định này rất là tốt. Đây là quy định mang tính chất hướng đến bầu không khí làm việc tốt thôi. Và đây không phải là quy định cấm mà là đòi hỏi phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân thì mới được ghi âm, ghi hình.

Về nội quy trong quyết định vừa được hành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trả lời báo chí, khẳng định việc ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.

-Người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình vì e ngại, lo lắng cán bộ tiếp dân không giải quyết đến nơi, đến chốn về nguyện vọng hoặc phản ánh của họ đến các cấp có thẩm quyền?

+Ở đây, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là khi công dân đến Trụ sở để làm việc có được thực hiện đầy đủ các quyền của mình được quy định tại Điều 7, Luật Tiếp công dân. Có nghĩa là khi anh đến Trụ sở mà được thực hiện đủ các quyền đó là thỏa mãn quyền rồi.

Các cơ quan công quyền đã thực hiện, đáp ứng đầy đủ quyền công dân thì ở đây không có vấn đề gì cả. Ngoài ra người công dân cũng phải thực hiện các nghĩa vụ nữa và cụ thể ở đây là không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.

-Quy định “muốn quay phim, ghi hình phải xin phép” trong Quyết định số 12/QĐ-UBND khiến người dân cho rằng nếu cán bộ thực thi công vụ đúng quy định thì tại sao phải ngại việc này?

+Các cán bộ tiếp dân không “ngại” việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm vì khi tiếp dân là người ta đang thực thi công vụ. Trong khi đó quy định tại Quyết định số 12 không cấm người dân làm việc đó, chỉ là trước khi làm việc này (ghi âm, ghi hình), công dân phải có ý kiến đồng ý của cán bộ tiếp dân để đảm bảo cho buổi làm việc không bị ảnh hưởng.

Việc ghi âm, ghi hình phù hợp sẽ không làm gián đoạn, đứt mạch và gây ảnh hưởng đến chất lượng buổi tiếp công dân.

Người tiếp công dân có nhiệm vụ quan trọng là phải tận tình, tích cực hướng dẫn, giúp đỡ công dân. Khi lắng nghe kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hay phản ánh của người dân đòi hỏi cán bộ tiếp dân bình tĩnh. Dưới góc độ công dân phải có thái độ ứng xử chuẩn mực, văn minh để cùng nhau thực hiện buổi tiếp công dân đúng quy định.

Mục đích của nội quy là như vậy chứ không phải là cấm. Tôi lấy ví dụ có một số người khi được tiếp thì họ cầm điện thoại dí vào mặt cán bộ tiếp công dân. Nội quy này để thống nhất cách ghi âm, ghi hình với thái độ văn minh, lịch sự tránh hành động phản cảm.

 

Phó Ban Tiếp công dân Hà Nội lên tiếng về việc ghi âm, ghi hình phải “xin phép” - Ảnh 3.

Trụ sở Tiếp công dân Thành phố Hà Nội.

 

-Từ trước đến nay ở các địa điểm tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, cán bộ tiếp dân đã gặp phải trường hợp người dân đến quay phim, chụp ảnh nhưng không vì mục đích công việc mà vì mục đích khác hoặc đưa lên mạng xã hội?

+Không riêng gì Hà Nội mà tôi thấy ở nhiều nơi, nhiều người dân đã làm thế. Khi đến làm việc tại Trụ sở, họ liền livestream ra ngoài khiến buổi làm việc không hiệu quả và họ ghi hình vì “mục đích khác”, không phải đi khiếu kiện.

Tôi cho rằng, đây là quy định mang tính chất hướng đến bầu không khí làm việc tốt. Không cấm người dân quay phim, chụp ảnh mà đòi hỏi phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.

Hiểu ở góc độ nào đó, quy định không cản trở quyền của công dân, người dân vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền của mình.

Bản thân tôi khi làm việc với người dân cũng thường xuyên được họ ghi âm, ghi hình. Đối với những người ứng xử đúng mực và trao đổi với mình trước về việc ghi âm, ghi hình thì tôi sẵn sàng chấp nhận thôi.

Còn khi người ta lợi dụng việc ghi âm ghi hình vì mục đích khác, không liên quan đến công việc thì hoàn toàn không nên.

-Như thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trả lời báo chí, khi triển khai Quyết định số 12/QĐ-UBND, Ban Tiếp công dân TP Hà Nội có sẵn sàng trích xuất ghi âm, ghi hình về buổi tiếp dân cho người dân có nhu cầu hay không?

+ Tất cả các Phòng Tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội đều đã được trang bị camera ghi âm và ghi hình. Khi người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc. Nhưng chưa có trường hợp nào đề nghị trích xuất, cung cấp dữ liệu từ camera cả. Việc này các cơ quan nhà nước sẽ chuẩn bị để thực hiện.

-Xin cảm ơn ông!

 

Điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định về Quyền của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền: Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch. Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 

Thế Kha - Nguyễn Trường (thực hiện)