1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Câu chuyện tòa án:

Phiên tòa bất thành

(Dân trí) - Phiên tòa phúc thẩm đầu năm của TAND TP Hà Nội đã kết thúc rất nhẹ nhàng. Bị cáo làm đơn rút kháng cáo. Hội đồng xét xử, thư ký, kiểm sát viên, cảnh sát trại giam thở phào vui vẻ rời phòng xử án. Chỉ có bị cáo vẻ mặt thất thần, tuyệt vọng lặng lẽ tự bấm lại còng số 8, trở lại trại giam...

Phiên tòa đầu tiên sau dịp nghỉ Tết dài. Phòng xử những vụ án đơn giản trên tầng thượng, gian phòng áp mái nhỏ bé cuối dãy hành lang hun hút. Cả 4 tầng, 4 dãy hành lang vắng hoe, âm ẩm tối. Những dãy phòng xử án ngủ dài, câm lặng, đóng im ỉm những ô cửa sẫm màu, cao chạm tới tận trần nhà. Tôi thoáng rảo bước chân, tiếng gót giầy vọng âm âm dọc những dãy hành lang, những khúc quanh cầu thang.

9h sáng, phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa bắt đầu. Căn phòng nhỏ áp mái trơ ra cái dáng cúi còng của bị cáo trước vành móng ngựa đen bóng màu gỗ lên nước. Vị nữ thẩm phán đầu tiên vừa có mặt. Bị cáo thoáng giật mình khi câu hỏi vang lên: "Bị cáo Nguyễn Duy Mười phải không?".

Đôi mắt mệt mỏi chợt sáng lên khi nhận ra vị thẩm phán đã ngồi ghế chủ tọa trong phiên tòa sơ thẩm của mình: "A, cô. Cô ơi, cô giúp cháu! 5 năm thì nặng quá cô ơi. Thực sự cháu chỉ nghiện thôi, không phải là buôn bán".

Vị thẩm phán giải thích cho bị cáo, tất cả những chi tiết, chứng cứ trong hồ sơ đã thể hiện tội trạng của bị cáo, "án tại hồ sơ", không thể khác được, bị cáo nên rút đơn kháng cáo vì sẽ không thể thay đổi được gì. Cái thân hình tiều tụy của người nghiện vẫn cố giải thích, giãi bày.

Vị nữ thẩm phán rồi tới thư ký phiên tòa, kiểm sát viên và cả anh cảnh sát áp giải cũng lặp đi lặp lại lời giải thích, có xét xử phúc thẩm cũng không thay đổi được gì, không có căn cứ giảm hình phạt, tốt nhất là rút đơn. Rất nhiều "quan tòa" với một bị cáo. Chắc khó ai có đủ sức để ý đến những điều bị cáo nói. Người này giải thích, người kia thuyết phục anh chàng bị cáo khốn khổ.

"Tôi nói thẳng cho cậu biết nhé. Không thể làm gì được. Hội đồng đã ngồi họp. Án đã duyệt rồi. Y án. Rút đơn kiện đi" - Vị nữ thư kí hạ những lời cuối cùng như để xóa đi chút hi vọng cuối cùng của bị cáo.

"Thôi được, anh không rút đơn kiện, thế thì xét xử. Nhưng tôi không dám chắc là anh còn được nhận hình phạt nhẹ nhàng như bản án sơ thẩm đâu đấy nhé. Viện kiểm sát thay đổi mức án đề nghị đấy" - Nữ thẩm phám nhả từng chữ.

Bị cáo co rúm trên ghế, cố nói với theo bước chân quả quyết rời khỏi phòng xử án của vị thẩm phán: "Nhưng cháu xin cô, đầu năm cô làm phúc. Năm năm thì dài quá, cháu còn hai con nhỏ, mẹ chúng đau ốm lắm...".

"Đã nói rồi, giải thích hết lời rồi. Không được. Có rút đơn không?" - thẩm phán gần như không chịu nổi, cáu gằn từng chữ. "Dạ, vâng. Có, có. Thôi cháu xin rút đơn". "Thư ký, lấy cho cậu ấy tờ giấy viết đơn xin rút kháng cáo".

Phiên tòa kết thúc. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên thở phào vui vẻ rời phòng xử án khi bị cáo bắt đầu cắm cúi viết lá đơn từ chối quyền được kháng cáo của mình, từ bỏ niềm hi vọng cuối cùng của mình.

Tôi chợt thấy chạnh lòng. Mục đích cuối cùng của tất cả những người có mặt tại phòng xử án đầu xuân này dường như chính là lá đơn ấy. Hình như tất cả đều cố ép cho bằng được bị cáo làm việc ấy. Họ được lợi 1 chút: đỡ mất một buổi sáng mùa xuân vẫn còn không khí Tết náo nhiệt. Còn bị cáo, bị cáo mất một thứ - niềm hi vọng. Có là gì. Điều ấy có ảnh hưởng đến ai.

Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm