Phía sau chuyện thoát nghèo nhờ được tặng bò giống
(Dân trí) - Sau 6 giờ đồng hồ di chuyển từ Hà Nội không nghỉ, chúng tôi có mặt tại xã Kỳ Tân (huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Dù còn là một trong những xã nghèo nhất của huyện Bá Thước, nhưng chúng tôi đã nhận rõ những đổi thay nơi đây khi thấy những cánh đồng lúa xanh rì, những ngôi nhà tường gạch dần thay thế cho nhà tranh, những con bò no cỏ đủng đỉnh qua đường...
"Thiếu ăn cũng không bán bò đâu"
Đến thăm chị Lường Thị Thái (sinh năm 1979, người dân tộc Thái, thôn Pạt, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước), phải đợi chị một lúc vì chị còn bận cho bò ăn. Là tài sản có giá trị lớn nhất trong nhà nên bò được chị chăm chút rất cẩn thận. Chị khoe: “Bò chửa 6 tháng rồi nên ăn khỏe lắm. Thiếu ăn cũng không bán bò đâu!”, vừa nói chị vừa chỉ vào bò mẹ mập mạp với cái bụng kềnh càng và bộ lông óng mượt, sạch sẽ, được quây bạt xung quanh để tránh rét.
Xong công việc, chị Thái dẫn chúng tôi lên nhà. Căn nhà tường 10 chưa được trát vữa, trống huơ trống hoác, gió lùa tứ phía. Cô con gái 4 tuổi ngoan ngoãn, loanh quanh bên mẹ. Chị Thái cho biết, nhà thuộc diện hộ nghèo từ năm 2003, đến năm 2009 Nhà nước hỗ trợ gia đình chị 8 triệu để xây; năm 2017, được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tặng cho một con bò giống để giúp cái “cần câu thoát nghèo”.
Anh chị có hai con, chồng chị, anh Hà Văn Nga (sinh năm 1981, dân tộc Thái) đi làm phụ hồ ở Hải Phòng, mỗi tháng gửi về gia đình 4 – 5 triệu/tháng; con trai lớn chị đang đi học trường Cao đẳng nghề tại Nghệ An. Ở nhà chỉ còn hai mẹ con chị và con bò giống được tặng.
Hằng ngày chị vừa đi chăn bò, vừa làm 2 sào ruộng, một lúa, một ngô để ăn quanh năm. Theo lời chị Thái, một năm có hai vụ không đủ ăn nhưng chị nhất định không bán bò. “Không bán bò đâu, để nó đẻ, đẻ rồi lại đẻ nữa, cho đàn bò đông con”, chị Thái vui vẻ.
Chị kể, lúc nhìn người ta được tặng bò, chị muốn lắm mà chưa được, có người vì hoàn cảnh phải bán con bò đi chị cũng ước có tiền để mua con bò ấy. Rồi đến một ngày, chị nghe tin đến lượt mình được Viettel tặng bò, mừng không tả xiết.
Nhận bò về rồi, chị chăm chút cẩn thận. Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn chị chăm bò như thế nào, chị thực hiện đúng như vậy, luôn để chuồng sạch sẽ để không lây lan dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, quây bạt, đốt củi để sưởi cho bò…
Cùng với việc chăm sóc con cái, chăm chỉ làm việc, chị dự tính mở rộng thành đàn bò từ con bò giống được tặng. Từ đó, nhà chị sẽ có tiền để xây căn nhà khang trang hơn và thoát nghèo bền vững. Khi con bò do Viettel tặng sẽ sinh bê vài tháng tới, ước mơ có cả đàn bò của chị Thái không còn quá xa vời.
Có mơ tôi cũng không dám nghĩ mình có một căn nhà kiên cố
Rời nhà chị Thái, chúng tôi đến nhà cụ Bùi Thị Chớng (76 tuổi, dân tộc Mường, xã Lâm xa). Nhà có khách, bà Chớng niềm nở ra đón, nụ cười móm mém luôn thường trực trên khuôn mặt phúc hậu.
Cụ Bùi Thị Chớng (76 tuổi) cảm nhận sự thay đổi của cuộc sống khi được ở một căn nhà kiên cố.
Bà kể, trước đây nhà bà nghèo lắm, nuôi 6 người con, chỉ có củ mài, củ sắn để ăn, bao nhiêu năm cả nhà bà phải sống trong căn nhà dột nát. Bà cũng không bao giờ dám mơ sẽ được ở trong ngôi nhà tường gạch như thế này. "Thấy tôi nghèo khổ quá, Nhà nước thương nên đã cho tôi 50 triệu để xây nhà. Cám ơn Nhà nước đã chăm sóc, cho nhà cho bà con ở", bà Chớng chia sẻ.
"Nhà nước" mà bà Chớng nói đến cũng chính là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Nhà của bà là một trong tổng số hàng chục ngôi nhà được Tập đoàn Viettel hỗ trợ cho huyện Bá Thước trong thời gian qua.
Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia Chương trình hỗ trợ 30A của Chính phủ từ năm 2009, trực tiếp hỗ trợ 3 huyệ: Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị), tính đến nay, tổng mức kinh phí Viettel hỗ trợ cho 3 huyện đã lên tới hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, huyện Bá Thước (65 tỷ đồng), Mường Lát (gần 60 tỷ đồng), Đắkrông (hơn 76 tỷ đồng).
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đánh giá cao những hỗ trợ của Viettel cho địa phương thông qua chương trình 30a. Theo đó trong 9 năm qua, Bá Thước được Viettel tài trợ 65 tỷ đồng tập trung vào hạ tầng và an sinh xã hội, giáo dục, y tế, tặng bò, nhà ở... Sự hỗ trợ của Viettel đã đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của Bá Thước giảm mạnh từ 50% năm 2009 nay chỉ còn 13,3%.
Giúp người dân giảm nghèo là một chuyện, điểm đáng ghi nhận hơn là sự tận tâm và sáng tạo trong cách làm của doanh nghiệp khi triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo để chương trình thực sự hiệu quả. Đại tá Lê Ngọc Vinh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel cho biết, với quan điểm “hỗ trợ người dân cần câu, không hỗ trợ con cá”, Viettel cùng với chính quyền địa phương tìm hiểu nhu cầu thực sự của người dân để hỗ trợ một cách thiết thực, đảm bảo thoát nghèo bền vững.
Thực tế, những hỗ trợ của Viettel không tập trung vào việc đưa đến “cái ăn trước mắt” mà là những phương tiện mà người dân cùng tham gia và bỏ nhiều công sức vào đó. Như việc tặng bò giống của chị Lường Thị Thái, nhiều người tặng bò không thoát nghèo ngay lập tức từ việc có bò nhưng họ có giấc mơ “đàn bò”. Và nhiều thay đổi thực sự đến cùng với việc chăm sóc và nuôi bò: Thái độ và niềm tin thay đổi quan trọng hơn hiện vật được tặng. Đó chính là phương tiện thoát nghèo bền vững thực sự mà chương trình 30A của Viettel đem đến.
Nguyễn Hà