1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phế thải xây dựng: tiện đâu đổ đấy

Mỗi ngày Hà Nội có cả ngàn tấn phế thải xây dựng cần giải tỏa. Và hầu hết lượng rác này đang bị đổ một cách bừa bãi ngay trong lòng TP.

Không thấy người là đổ

Hơn 1 giờ đêm, tuyến đê sông Hồng - sông Đuống vắng lặng và giá rét. Hai chiếc xe tải 5 tấn, không đèn chiếu hậu, phủ bạt che kín biển số, đi trong bóng tối. Qua điếm canh đê gần 200m, họ quay đầu xe, hướng về phía Hà Nội.

Sau tiếng “rào”, chiếc xe thứ nhất rú ga lao đi. Chiếc thứ hai vừa chạy vừa đổ, vôi vữa kéo dài thành vệt trắng mờ mờ. Toàn bộ lượng phế thải xây dựng bị trút xuống vệ đê. Sáng, con đê loang lổ những đống chất thải.

Trưa, những đội quân xe thồ, xe cải tiến từ những ngôi nhà đang xây bắt đầu xuất phát. Đoàn xe cơ động này len lỏi trong ngõ ngách tiến dần ra bìa làng tìm đến những khu đất trống. Nhìn trước ngó sau không thấy ai, họ dừng lại. Bê, hất, đổ, gạt, rồi vội vã vơ thúng kéo càng xe chạy thẳng mất hút vào trong ngõ. Vôi vữa đất cát gạch vụn lại chất thành đống vây quanh cái biển gỗ xiêu vẹo dòng chữ: “Cấm đổ rác”.

Tại các phường Sài Đồng (quận Long Biên), xã Phú Diễn, Mỹ Đình, Mễ Trì (huyện Từ Liêm) không khó để nhận thấy những đống phế thải xây dựng đang chất đống cao như núi.

Trong năm 2005 cơ quan hữu quan quận Long Biên phát hiện xử lý nhiều vụ đổ trộm phế thải xây dựng, trong đó có một ôtô của Công ty Vệ sinh môi trường. Cũng trong năm ngoái, cơ quan hữu trách huyện Từ Liêm đã xử lý 148 vụ chở vật liệu rời gây mất vệ sinh môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi qui định.

Ông Nguyễn Hoàng Giác, phó Ban thanh tra (Sở Giao thông công chính Hà Nội), cho biết hiện nay tình trạng đổ phế thải xây dựng bừa bãi là rất phổ biến. Trong nội thành vẫn tồn tại các điểm như ven sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, phố Nguyễn Công Hoan, phố Nguyên Hồng... và từ các tuyến đường vành đai II trở ra. Người ta dùng ôtô và nhiều phương tiện chuyên chở khác đổ trộm vào ban đêm, thậm chí còn cho người theo dõi giờ giấc đi lại của lực lượng tuần tra.

Trên bảo “có”, dưới nói “không”

Trong vai người có phế thải xây dựng cần liên hệ chỗ đổ hợp pháp, chúng tôi tìm đến chính quyền phường Thượng Thanh. Ông Sơn, phó công an phường, hướng dẫn: “Sang phường Bồ Đề (quận Long Biên), bên ấy có cái hồ đang lấp”. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, phó chủ tịch phường Sài Đồng, nói: “Đem xuống xã Kim Sơn” (huyện Gia Lâm).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng Phòng Xây dựng đô thị huyện Từ Liêm, nói bãi rác Lâm Du (huyện Gia Lâm) là nơi được qui định để tập kết phế thải xây dựng. Ngược lại, ông Đàm Văn Huân, phó Phòng Xây dựng đô thị quận Long Biên, khẳng định: “Bãi rác Lâm Du thuộc địa bàn quản lý của tôi nên tôi biết rõ nó đã đóng cửa hoàn toàn từ cuối năm 2004. Hiện tại trên toàn quận Long Biên, không có chỗ nào cho phép đổ phế thải xây dựng, kể cả những hồ ao, kênh mương".

Ông Phí Lê Bình, chủ tịch xã Phú Diễn, khẳng định, hiện tại trên địa bàn xã này, theo qui định, không có bất kỳ một điểm tập kết phế thải xây dựng nào.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Giác lại cho rằng bãi rác Lâm Du và Phú Diễn vẫn là những điểm được phép tập kết phế thải xây dựng.

Những cán bộ của huyện Từ Liêm, quận Long Biên đều khẳng định họ đang xây dựng đề án thu gom phế thải xây dựng một cách bài bản. Tuy nhiên cho đến nay tất cả vẫn chỉ đang tồn tại dưới dạng dự thảo và người dân vẫn phải xây dựng nhà cửa nên dù muốn dù không, tất cả số phế thải xây dựng ấy vẫn cứ phải đổ vào một nơi nào đó trong lòng TP Hà Nội.

Theo Việt Hằng
Tuổi Trẻ