1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Phạt tù đối tượng “ăn bớt” công trình làm cầu vừa xây đã sập

(Dân trí) - Hôm qua 20/6, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt bị cáo Phan Anh Tuấn (37 tuổi, trú phường 16, quận 8, TPHCM) 3 năm tù giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng: Cầu Bung bắc qua sông Ba, đoạn qua huyện Krông Pa, là cây cầu duy nhất nối liền các xã phía nam huyện Krông Pa với thị trấn Phú Túc. Với tổng gói thầu là hơn 7,5 tỉ đồng, do Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 134 thuộc tổng Công Ty Giao thông (Cienco 1) - Bộ Giao thông vận tải thi công giao đoạn I.

 

Ngày 5/10/1999, dưới sự chỉ đạo của ông Lương Minh Tuấn- Đội trưởng Đội cầu 2, Trưởng ban điều hành Công ty XDCTGT 134 tại Tây Nguyên và Phan Anh Tuấn- Đội phó Đội cầu 2, Công ty XDCTGT 134, cầu Bung bắt đầu được tổ chức thi công xây dựng.

 

Đến năm 2000 cầu được hoàn thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, sáng ngày 18/5/2001, nhịp cầu số 3 bị sập, khiến chiếc xe cẩu và 5 công nhân đang xây lắp bị rơi xuống dòng sông Ba.

 

Sau đó cầu được tu sửa và đưa vào sử dụng được 4 năm, đến ngày 30/11/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định phê duyệt nâng cấp cầu Bung giai đoạn II và giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Chuyên ngành GTVT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Công ty Xây dựng Công trình 508 thuộc Tổng Công ty XDCTGT 5 (Cienco 5)- Bộ GTVT thi công nâng cấp thành cầu vĩnh cửu, với mức đầu tư gần 6 tỷ đồng, tải trọng 30 tấn…

 

Vào lúc 12 giờ ngày 5/11/2007, đoạn số 8 cầu Bung theo hướng thị trấn Phú Túc đi Chư Drăng (Krông Pa) lại bị sập xuống dòng sông làm rơi 4 dầm của hai nhịp cầu N8 và N9. Đầu nhịp N10 tại vị trí đỉnh trụ T9 bị lệch về phía hạ lưu 10 cm.

 

Ngày 14/4/2009, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT có kết luận giám định kỹ thuật: “Cầu Bung bị sập đổ trụ T8, kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 và gây hư hại nặng trụ T9 do chiều dài đóng cọc trụ T8 không đủ theo thiết kế. Kết quả xác định các cọc trụ T8 chỉ có đóng tối đa là 9,57 mét, dẫn đến chiều dài ngâm trong lòng đất sau khi xói không đủ theo quy định của quy trình 22TCN 18-79 là 4 mét”.

 

Ngày 8/4/2009, giám định về tài chính kế toán kết luận: “Tổng giá trị thiệt hại thành tiền của sự cố đổ trụ T8 gây sập cầu Bung là 1.477.159.000 đồng”. Ngày 15/3/2010, giám định về tài chính kết luận: “Tổng giá trị xây lắp bị thiệt hại cầu Bung giai đoạn I là 6.816.420.000 đồng”.

 

Qua những cuộc điều tra, các cơ quan chức năng kết luận: “Phan Anh Tuấn đã chỉ đạo cho công nhân cắt đầu tất cả các cọc tại trụ T8, có cọc cắt hơn 5 mét, do đó khi đóng cọc xuống không đảm bảo chiều dài cọc là 12,45 mét theo như thiết kế… là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả sập trụ T8 của cầu Bung”.

 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, những cá nhân có liên quan như ông Nguyễn Như Dũng- cán bộ tư vấn giám sát và ông Bế Văn Lạc- Giám sát chủ đầu tư là những đối tượng đã cố ý làm trái nguyên tắc, đã thống nhất với Phan Anh Tuấn cắt đầu các cọc… nhưng hiện nay Dũng và Lạc đều đã chết nên không đề cập.

 

Phan Anh Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù với tội danh: “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn những cá nhân đại diện cho các đơn vị liên quan gồm chủ đầu tư, giám sát thi công, giám sát thiết kế… đều chưa được xử lý. Đại diện viện kiểm soát cũng cho biết những cá nhân này sẽ bị xử lý sau.

 

Vụ án sập cầu Bung đã và đang để lại hậu quả rất nặng nề. Hàng vạn người dân, đặc biệt là những người dân địa phương huyện Krông Pa rất bức xúc. Sập cầu Bung, hàng vạn người phải đi thuyền, đi đò, gây khó khăn, cách trở.

 

Trong thời gian chờ xử lý vụ sập cầu Bung, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Dự án xây dựng cầu Phú Cần thay cho Bung, với kinh phí hơn 60 tỷ đồng từ  nguồn trái phiếu Chính phủ, sẽ được khởi công cuối năm nay.

 

Thiên Thư